Theo đại biểu Quốc hội, có những hành vi mà chúng ta không nghĩ đó là hành vi bạo lực gia đình, nhưng lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần... thì cũng là biểu hiện của bạo lực gia đình.
Im lặng, "giận cá chém thớt" là hành vi bạo lực gia đình
Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trao đổi với PV Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, những hành vi bạo lực gia đình có biểu hiện cụ thể, rất dễ nhận biết, nhưng có những hành vi mà chúng ta không nghĩ đó là hành vi bạo lực gia đình, nhưng lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần... thì cũng là biểu hiện của bạo lực.
Ví dụ chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... thì cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý.
"Hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hoá người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp... Chính vì vậy, để Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả thì giải pháp đó là sự chia sẻ, tư vấn để giải toả tâm lý", bà Dung nói.
Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, những người bị khủng hoảng về mặt tâm lý, tinh thần trong gia đình cần phải chia sẻ được với Hội Phụ nữ, bác sĩ tư vấn, người già thì có Hội Người cao tuổi... "Chính nạn nhân phải tự chia sẻ, làm sao để cho những đối tượng đó mạnh dạn nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình với những người xung quanh", bà Dung nói.
Bổ sung thêm cụm từ “đe dọa” vào khái niệm bạo lực gia đình
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình gồm: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng giúp triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Tuy nhiên thực tế chủ yếu mới khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất, còn bạo lực tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang nhiều hậu quả khó lường; Và bạo lực tình dục được hiểu thế nào? Có cần bằng chứng trong điều tra bạo lực tình dục hay dựa trên báo cáo của nạn nhân, nhân chứng?
Theo đại biểu Vương Thị Hương, cần phải có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng các hình thức bạo hành gia đình, bởi nhiều người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực, dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật Quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với các đối tượng: Người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng.
Theo đại biểu Vương Thị Hương, quy định như vậy là rất phù hợp, dự thảo Luật đã điều chỉnh mở rộng đối tượng gây bạo lực gia đình. Bởi trên thực tế có nhiều trường hợp không phải là vợ chồng khi cùng chung sống dưới một mái nhà, việc bạo hành con riêng xảy ra thời gian gần đây rất thương tâm, thậm chí đã có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn tới tử vong, gây bức xúc dư luận.
Nếu không quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng, chắc chắn sẽ bỏ lọt đối tượng gây bạo lực gia đình.
Thuật ngữ “bạo lực đối với phụ nữ” thừa nhận yếu tố “đe dọa” cũng có khả năng gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như làm tổn hại về tinh thần của nạn nhân. Đại biểu Hương đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “đe dọa” vào khái niệm bạo lực gia đình và bạo lực gia đình trên cơ sở giới.
(Lao động)
https://laodong.vn/xa-hoi/im-lang-gian-vo-co-khien-vo-hoac-chong-ton-thuong-cung-la-bao-luc-gia-dinh-1051053.ldo