- Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng đô la Mỹ (USD) đã là đồng tiền mạnh nhất thế giới - nhưng một chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng đồng bạc xanh của Mỹ có thể sớm sẽ mất đi sức mạnh của mình.
Trong một lần xuất hiện trên chương trình "Fox & Friends Weekend", John Carney - biên tập viên kinh tế của Breitbart đã cảnh báo rằng việc định giá thấp của đồng đô la có thể là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với ảnh hưởng quan trọng của Mỹ trên trường thế giới.
""Đó không chỉ là một mối đe dọa nghiêm trọng, tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi. Như các bạn đã thấy, chúng ta đã trải qua ba giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ II. Mỹ từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào những năm 1970, ngân hàng toàn cầu về cơ bản đã lấy đồng đô la là trung tâm. Với sự sụp đổ của Liên Xô, toàn bộ thế giới, ít nhiều, đã chịu sự thống trị của đồng đô la Mỹ…”
"Điều đó hiện đang dần mất đi. Trung Quốc và Nga đang bắt đầu xây dựng một khối tiền tệ thay thế", ông John Carney hôm qua (2/4) đã nhận định như vậy.
Nhận xét nói trên của chuyên gia kinh tế đã được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có những nỗ lực không ngừng nhằm rời xa khỏi đồng đô la Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu quá trình chiến lược phi đô la hóa các giao dịch kinh doanh của họ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Người đồng dẫn chương trình "Fox & Friends Weekend" Will Cain hôm qua đã cung cấp số liệu cho thấy, do quá trình phi đô la hóa, gần 3% danh mục dự trữ hiện đang được nắm giữ bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong hai thập kỷ qua, đồng đô la Mỹ đã mất 12 điểm phần trăm thị phần, giảm từ 71% xuống 59%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Phóng viên Cain sau đó đã hỏi chuyên gia Carney rằng, "sự thay thế của đồng tiền Trung Quốc đang khả thi đến mức nào?"
"Tôi không nghĩ về lâu dài đồng Nhân dân tệ thực sự là một mối đe dọa, rằng nó sẽ trở thành đồng tiền thống trị của thế giới, bởi vì hệ thống của Trung Quốc không đủ cởi mở. Hệ thống của Mỹ rất cởi mở. Các quốc gia khác có thể tin tưởng rằng đồng tiền dự trữ của chúng tôi, và họ có thể tin tưởng rằng chúng tôi không thao túng đồng tiền của mình," ông Carney hôm qua đã giải thích như vậy.
"Vì vậy, tôi không nghĩ rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền thống trị. Và tôi nghĩ rằng châu Âu cũng như các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi và Nhật Bản sẽ vẫn dựa vào đồng đô la. Và tôi nghĩ rằng Ả-rập Xê-út cũng như hầu hết các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ vẫn muốn duy trì mối quan hệ gắn bó với đồng USD. Tuy nhiên, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ có các khối tiền tệ thay thế khác mà chúng ta đã từng không có trong một thời gian dài," chuyên gia Carney cảnh báo.
Ông Carney lập luận thêm rằng việc Mỹ chọn cách tích cực giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nền kinh tế quốc gia và củng cố sức mạnh của đồng đô la.
"Chúng ta đang quay trở lại một dạng cơ sở thời Chiến tranh Lạnh, nơi bạn có các khối kinh tế khác nhau sử dụng các khối tiền tệ khác nhau. Hãy nhìn xem, chúng ta đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đó là một trong những mục tiêu rõ ràng trong chính sách của Mỹ ngay lúc này", ông Carney nói thêm.
"Khi chúng tôi cố gắng cắt giảm thâm hụt thương mại, Trung Quốc đương nhiên sẽ có ít đô la hơn, điều đó có nghĩa là họ cần chuyển sang một hệ thống không dựa trên đồng đô la. Vì vậy, điều này cũng sẽ có lợi cho chúng tôi. Đó là một phần trong chính sách của chúng tôi. Chưa chắc đã tốt cho nền kinh tế Mỹ khi toàn bộ thế giới dùng đồng đô la. Điều đó thực sự có thể mang lại lợi ích," ông Carney kết luận.