EU không thể tẩy chay khí đốt của Nga

0
0

 - Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong năm nay, cấm nhập khẩu than và sẵn sàng cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, có một sản phẩm mà EU không thể tẩy chay trong thời gian trước mắt và thậm chí EU đang phải bỏ ra số tiền kỷ lục để mua nó – đó chính là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Châu Âu từ Nga tăng khoảng 40% trong một năm do các công ty tranh giành nhau mua khí đốt LNG để thay thế dòng chảy qua đường ống đang cạn kiệt. Đó là một liều thuốc đắng đối với nhiều nước trong EU trong bối cảnh liên minh này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào Điện Kremlin với mong muốn bóp nghẹt hoặc cắt đứt các nguồn tài chính giúp Moscow thúc đẩy cuộc chiến ở Ukraine. EU đã chi kỷ lục 12,5 tỷ euro (13 tỷ USD) cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga từ tháng 1 đến tháng 9 - gấp năm lần so với một năm trước đó.

Nhu cầu gia tăng từ các quốc gia như Pháp và Bỉ đã giúp Nga trở thành nhà cung cấp LNG số 2 cho khu vực tây bắc Châu Âu trong năm nay, xếp sau Mỹ nhưng cao hơn Qatar, các dữ liệu theo dõi hoạt động của tàu và cảng cho thấy.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, khí đốt được cung cấp qua hệ thống đường ống khí đốt từ Nga là nguồn nhiên liệu lớn nhất của châu Âu. Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến ở Ukrane bùng nổ, Điện Kremlin bắt đầu siết chặt nguồn cung và vì thế khu vực Châu Âu buộc phải nhập thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga và khắp nơi trên thế giới để duy trì hoạt động thắp sáng và lấp đầy kho dự trữ mùa đông.

Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia - Anne-Sophie Corbeau nhận định: “Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga phải tiếp tục chảy. Chúng ta cần điều đó trên cán cân LNG toàn cầu: thị trường vốn đã đủ khan hiếm. Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước châu Âu thực sự rất vui khi nhắm mắt làm ngơ trước điều này.”

Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ có Vương quốc Anh và các quốc gia vùng Baltic ngừng mua LNG của Nga. Ngược lại, dầu của Nga đã bị người mua trong khu vực xa lánh rộng rãi và lệnh cấm của EU sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 tới.

Một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt của Nga chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc do sự khan hiếm nguồn cung toàn cầu và tiềm năng cho một thị trường thậm chí còn khan hiếm hơn vào năm tới. Tuy nhiên, EU đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Vào tháng 3, khối đã cam kết thay thế gần 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay, với phần lớn khối lượng mới đến ở dạng LNG toàn cầu.

Khí đốt của Nga hiện chiếm chưa đến 10% nguồn cung cấp nhiên liệu cho khu vực, giảm từ hơn 1/3 nhu cầu vào năm ngoái, nhưng tỷ lệ LNG trong các đợt giao hàng của Nga đã chiếm gần một nửa.

Dữ liệu theo dõi hoạt động của tàu vận tải cho thấy việc giao hàng trên khắp châu Âu còn lâu mới đồng đều. Với việc Anh từ chối LNG của Nga, mặt hàng này đã tìm thấy một ngôi nhà ở nơi khác, với các chuyến hàng của nước này đến các cảng của Bỉ tăng hơn gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 10 và nhập khẩu của Pháp tăng 60%.

Ông Eric Mamer - phát ngôn viên chính của Ủy ban châu Âu, cho biết trong một cuộc họp ngắn ngày 25/11 rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ công bố bất kỳ việc gì liên quan đến một lệnh cấm khí đốt của Nga và điều đó không thay đổi”.

Hầu hết các nguồn cung cấp LNG toàn cầu đều được ký kết trong các hợp đồng dài hạn, với người bán thường là các công ty đa quốc gia lớn, nhìn chung không chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Chẳng hạn, tập đoàn TotalEnergies SE của Pháp có 20% cổ phần trong Yamal LNG - cơ sở sản xuất lớn nhất của Nga. Mặc dù công ty này đã tạm dừng các khoản đầu tư mới ở Nga và bán một số tài sản ở nước này, nhưng công ty đã cam kết ở lại Yamal để giúp đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu - miễn là lệnh trừng phạt cho phép. Total cũng sở hữu 19% cổ phần của Novatek PJSC của Nga - công ty kiểm soát dự án.

“Trong điều kiện hiện tại, không thể có dự án LNG ‘tốt’ và ‘xấu’,” Giám đốc điều hành Novatek Leonid Mikhelson cho biết vào tháng 10. Công ty cũng đang bổ sung công suất, với việc phát triển dự án khủng Arctic LNG 2, bắt đầu ngay trong năm tới.

Hiện tại, có vẻ như châu Âu có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục mua khí đốt hóa lỏng của Nga. Với việc người tiêu dùng đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến lạm phát, an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trong khu vực.

Chuyên gia tư vấn Kate Dourian - thành viên không thường trú tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, cho biết thị trường khí đốt “có thể sẽ tiếp tục khan hiếm cho đến khi nguồn cung cấp LNG mới có sẵn sớm nhất vào năm 2025”.

 

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.