- Châu Âu đang nhập khẩu một lượng khí đốt vận chuyển bằng đường biển từ Nga ở mức cao kỷ lục. Điều này chứng tỏ khu vực này khó lòng có thể rũ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Nga đối với loại nhiên liệu quan trọng này ngay cả khi dòng chảy qua các đường ống gần như đã ngừng lại.
Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, thường được vận chuyển trên các tàu chở dầu lớn, đã tăng hơn 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm 2021. Con số trên đủ cho thấy châu Âu gặp khó khăn trong việc từ bỏ khí đốt từ Moscow bất chấp Brussels đang tìm cách tránh xa các nguồn cung cấp từ Nga.
Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga chiếm 16% lượng nhập khẩu bằng đường biển của châu Âu trong giai đoạn này. Mặc dù tổng khối lượng 17,8 tỷ mét khối chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 62,1 tỷ mét khối khí đốt được cung cấp qua đường ống dẫn khí đốt trong thời gian này, nhưng nó vẫn khiến châu Âu phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương trước việc vũ khí hóa năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Anne-Sophie Corbeau – một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, nhận định: “Một ngày nào đó, ông Putin có thể thức dậy và nói: 'chúng tôi sẽ ngừng cung cấp LNG cho châu Âu', buộc khu vực này phải mua mặt hàng này từ một thị trường giao ngay với giá cả thậm chí đắt đỏ hơn”.
Bà Anne-Sophie Corbeau nói thêm rằng Nga cũng có thể chuyển các lô hàng đến các quốc gia thiếu LNG như Bangladesh và Pakistan với giá rẻ để “đạt được lợi ích chính trị” và “gây áp lực lên người châu Âu”. “Điều rất quan trọng là đừng quên rằng rất nhiều quốc gia đang gặp khó khăn vì họ không đủ khả năng chi trả cho khí đốt LNG.”
Không có biện pháp trừng phạt nào được áp đặt đối với mặt hàng khí đốt của Nga do tầm quan trọng của nó đối với an ninh năng lượng của một số quốc gia châu Âu. Điện Kremlin đã tận dụng lợi thế bằng cách giảm dần lưu lượng qua các đường ống sau cuộc chiến ở Ukraine, đẩy giá cả leo thang và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp lục địa.