- Một nhóm các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu của Đức đang cảnh báo không nên rút khỏi Trung Quốc, đồng thời thừa nhận rằng việc xác định lại mối quan hệ với Bắc Kinh là đúng đắn đối với Đức.
Ảnh minh họa |
Lời cảnh báo trên được 8 vị giám đốc điều hành đưa ra trong một bài báo ngày hôm qua (9/11) trên tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung trong bối cảnh Đức đang phải vật lộn tìm lối đi trong mối quan hệ kinh doanh và chính trị trong tương lai với Trung Quốc. Các tác giả bao gồm các giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp Siemens, nhà sản xuất hóa chất BASF, công ty công nghệ Bosch, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Schaeffler và cảng Hamburg.
Các giám đốc điều hành nói trên cho biết những công ty của họ ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới đang đóng góp đáng kể vào khả năng cạnh tranh của họ và rằng Trung Quốc đã trở thành thị trường năng động cũng như lớn thứ hai thế giới - “vì vậy sự hiện diện của chúng ta tại đó đặc biệt quan trọng vì lợi ích của sức mạnh kinh tế Đức”.
Các tác giả lập luận rằng tiềm năng của thị trường Trung Quốc mang lại cơ hội mở rộng quy mô nhanh hơn và thành công hơn ở các thị trường khác, đảm bảo việc làm ở Đức.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức nói rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong hành động và tình hình nhân quyền ở Tân Cương, “sẽ là điều đúng đắn để Đức xác định lại mối quan hệ với Trung Quốc theo một cách khác hơn một chút, theo ba chiều gồm cạnh tranh, hợp tác và đối đầu mang tính hệ thống”. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành nói thêm rằng, "trong các cuộc thảo luận công khai hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng đang có sự nhấn mạnh gần như hoàn toàn vào sự đối đầu mang tính hệ thống, cả trên lời nói và các biện pháp cụ thể."
Các tác giả cho rằng: “Bất chấp mọi thách thức từ Trung Quốc và trong quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng động lực tăng trưởng cơ bản của nước này sẽ vẫn còn và việc rút khỏi Trung Quốc sẽ cắt đứt chúng ta khỏi những cơ hội này”.
Trong những tuần gần đây, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức đang bị chú ý khi các quan chức Đức tìm cách cân bằng giữa các mối quan hệ kinh doanh bền chặt, mạnh mẽ giữa hai nước với mong muốn tránh lặp lại những sai lầm đã xảy ra trong quan hệ với Nga - nước từng cung cấp hơn một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức và hiện không còn cung cấp nữa.
Tháng trước, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tranh cãi về việc có nên cho phép công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO nắm 35% cổ phần trong một bến container tại cảng Hamburg hay không. Nội các cuối cùng đã thông qua việc để công ty COSCO của Trung Quốc nắm giữ cổ phần dưới 25% nhằm đảm bảo rằng công ty của Trung Quốc sẽ không có khả năng ngăn cản các quyết định của phía Đức liên quan đến cảng Hamburg.
Ngày hôm qua (9/10), chính phủ Đức đã chặn việc bán một nhà máy sản xuất chip ở Đức cho một công ty con của Trung Quốc ở Thụy Điển và chặn một kế hoạch đầu tư thứ hai mà chính phủ Đức không nêu chi tiết.
Trước đó, Thủ tướng Đức vừa có chuyến thăm đến Bắc Kinh vào tuần trước.
Thủ tướng Đức Scholz đang khuyến khích các công ty đa dạng hóa quan hệ làm ăn nhưng không ngăn cản việc kinh doanh với Trung Quốc. Ông này đã nói trước chuyến thăm rằng, “chúng ta không muốn tách khỏi Trung Quốc” nhưng “chúng ta sẽ giảm bớt sự phụ thuộc một phía trên tinh thần đa dạng hóa thông minh”.
Trong bài báo được đăng tải ngày hôm qua, các giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn ở Đức đã đồng tình rằng “chúng ta phải đa dạng hóa nguy cơ”, ví dụ như đối với chip, pin và nguyên liệu thô.