- Việc các nước phát triển G7 áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ không ngăn được Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục âm thầm mua dầu thô từ Nga với sự trợ giúp của các công ty bảo hiểm nhỏ hơn - những công ty sẵn sàng làm như vậy để có được doanh thu, S&P Global đã nhận định như vậy.
Hầu hết các công ty bảo hiểm lớn đang có kế hoạch tuân thủ kế hoạch do Mỹ dẫn dắt nhằm áp đặt giá trần đối với mặt hàng dầu mỏ của Nga và hầu hết các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ ở nước ngoài có trọng tải trên 45.000 tấn sẽ cần được bảo hiểm, công ty nghiên cứu S&P Global cho biết. Nhưng có những công ty bảo hiểm nhỏ hơn sẵn sàng hỗ trợ cho các hoạt động bán dầu của Nga bên ngoài giá trần, một giám đốc điều hành của Western Protection and Indemnity - một công ty bảo hiểm hàng hải cho hay.
Vị giám đốc điều hành của Western Protection and Indemnity đã nói với S&P rằng có một số công ty bảo hiểm vận tải biển Trung Quốc có thể đưa ra hình thức hiểm như vậy cho các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ từ Nga. Các công ty còn chần chừ, chưa sẵn sàng cho hoạt động này thì cũng có thể cung cấp bảo hiểm do sự thúc đẩy của chính phủ Trung Quốc.
Một giám đốc điều hành khác trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng một số công ty vận chuyển dầu của Nga đã sử dụng các công ty bảo hiểm vận tải "giá trị thấp hơn" - những công ty đang hỗ trợ các chuyến hàng dầu mỏ của Nga với mức độ bảo hiểm thấp hơn. Một giám đốc điều hành khác cho biết thậm chí có những công ty có thể sẵn sàng mạo hiểm vận chuyển dầu của Nga mà không có bảo hiểm, mặc dù thực tế là những con tàu đó có thể không được phép cập bến nếu chúng không đáp ứng các yêu cầu bảo hiểm.
Hầu hết các nguồn tin cho biết những lựa chọn trên không có khả năng làm giảm doanh số bán dầu thô của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ ngay cả khi áp dụng giá trần.
Điều đó xảy ra khi các quốc gia G7 đang chạy đua để đưa ra một kế hoạch chi tiết về việc áp đặt mức giá trần dự kiến khoảng 60 đô la đối với dầu của Nga. Kế hoạch này ban đầu dự kiến sẽ được đề xuất vào ngày 5/12. Nhưng các chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ cần sự hợp tác từ Nga để giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Kế hoạch áp đặt giá trần cũng cần sự ủng hộ từ các đồng minh của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã và đang tăng cường mua dầu thô từ Nga với mức chiết khấu khủng kể từ sau khi xảy ra cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tháng trước, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề áp giá trần đối với dầu mỏ Nga diễn ra "tích cực" và việc áp giá trần sẽ mang lại cho các đồng minh như vậy sức mạnh đàm phán lớn hơn trong việc mua dầu ngoài thị trường giao ngay. Tuy nhiên, ngay cả các công ty bảo hiểm sẵn sàng tuân thủ kế hoạch của Mỹ thì họ cũng phải đối mặt với các quy định lỏng lẻo trong việc xác minh rằng dầu của Nga được bán theo giá trần. Trong khi đó, Nga có thể có đủ tàu chở dầu để xuất khẩu khoảng 90% lượng dầu thô của mình, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Mỹ cùng với EU đang tích cực thúc đẩy kế hoạch áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga như một đòn trừng phạt nhằm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không tuân thủ, thay vào đó, họ sẽ vận chuyển dầu thô của mình đến các quốc gia không bị ràng buộc bởi giá trần. Phó Thủ tướng Alexander Novak cảnh báo, các quốc gia ủng hộ áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ không mua được dầu thô từ Nga.