- Các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ và các đối tác đồng minh ngoài khối (còn gọi là liên minh OPEC+) hôm qua (16/10) đã thể hiện quyết tâm đồng lòng theo đuổi việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ - một quyết định đã được các nước nhất trí thông qua trước đó trong tháng này. Động thái trên diễn ra sau khi Nhà Trắng tăng cường cuộc khẩu chiến với Ả Rập Xê-út, cáo buộc Riyadh ép buộc một số quốc gia khác ủng hộ quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
Mỹ hồi tuần trước đã nhấn mạnh việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ giúp Nga tăng thu nhập từ nước ngoài, và vì thế Washionton cáo buộc rằng Ả Rập Xê-út đã dẫn dắt khối OPEC+ đi đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu vì lý do chính trị.
Đáp lại, Ả-rập Xê-út hôm qua đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc nói trên, khẳng định bước đi của họ không phải là để hỗ trợ cho Moscow trong chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine.
Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz cho biết nước ông đang nỗ lực để củng cố cho sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ, bao gồm cả việc thiết lập và duy trì sự đồng lòng, nhất trí trong liên minh OPEC +.
Bộ trưởng Quốc phòng của Ả-rập Xê-út - Hoàng tử Khalid bin Salman cũng khẳng định quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày được đưa ra vào hôm 5/10 vừa rồi là một quyết định dựa trên sự đồng thuận của các nước thành viên và dựa trên các yếu tố kinh tế.
Phát biểu của ông Khalid bin Salman đã được bộ trưởng của một số quốc gia thành viên OPEC + bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ủng hộ.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail al-Mazrouei đã viết trên Twitter như sau: "Tôi muốn khẳng định rõ ràng lại rằng quyết định mới nhất của OPEC + đã được các nước thành viên đồng thuận thông qua và nó là một quyết định hoàn toàn mang tính kinh tế, không có bất kỳ động cơ chính trị nào."
Phát biểu trên của ông Suhail al-Mazrouei được đưa ra sau khi tập đoàn tiếp thị dầu mỏ nhà nước của Iraq - SOMO đưa ra một tuyên bố, trong đó nói rằng: "Có sự đồng thuận tuyệt đối giữa các nước OPEC + về việc cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với các điều kiện thị trường dầu trong giai đoạn bất ổn và thiếu hụt rõ ràng hiện nay là cần một cách tiếp cận đi trước đón đầu nhằm hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường và đem đến những chỉ dẫn cần thiết cho tương lai".
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Kuwait Nawaf Saud al-Sabah cũng hoan nghênh quyết định của OPEC + và cho biết nước này muốn duy trì thị trường dầu mỏ cân bằng, hãng thông tấn nhà nước KUNA đưa tin.
Trong khi đó, trong các tuyên bố riêng rẽ khác, Oman và Bahrain khẳng định OPEC đồng lòng ủng hộ quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria miêu tả quyết định trên là "quyết định mang tính lịch sử". Ông này cùng với Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào quyết định này, đài truyền hình Ennahar của Algeria đưa tin. Ông Ghais sau đó giải thích thêm trong một cuộc họp báo rằng tổ chức OPEC đang hướng mục tiêu đến sự cân bằng giữa cung và cầu hơn là một mức giá cụ thể.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hồi tuần trước cáo buộc "hơn một" thành viên OPEC đã cảm thấy bị Ả Rập Xê-út ép buộc tham gia cuộc bỏ phiếu, nói thêm rằng việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ làm tăng nguồn thu cho Nga và làm giảm hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hãng thông tấn SPA đưa tin, Quốc vương Salman đã khẳng định nước ông là trung gian hòa bình và nhấn mạnh đến sáng kiến của nước này nhằm thả tù binh ra khỏi Nga vào tháng trước.
Ông Khalid bin Salman hôm qua cho biết ông "ngạc nhiên" khi có phát biểu cho rằng nước ông đang "sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến với Ukraine."