- Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) hôm qua (29/9) cho biết nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận quý thứ hai sụt giảm liên tiếp trong ba tháng kết thúc vào tháng 6. Suy thoái kinh tế được định nghĩa trong Kinh tế học vĩ mô là sự suy giảm của Tổng sản phẩm quốc nội thực trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm. Như vậy, theo định nghĩa trên, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Hơn nữa, Mỹ còn đang phải đối mặt với lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn, ảnh hưởng đến chi tiêu.
Dữ liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,6% hàng năm trong quý thứ hai, thấp hơn mức giảm 0,9% được báo cáo ban đầu. Sản lượng kinh tế của đất nước đã giảm trong ba tháng đầu năm, với GDP giảm 1,6%, cho thấy nền kinh tế hoạt động kém nhất kể từ mùa xuân năm 2020.
Tuy nhiên, theo một cách đo lường khác về tăng trưởng kinh tế, được gọi là tổng thu nhập quốc nội, thì chỉ số này của nền kinh tế Mỹ đã tăng 0,1% trong quý thứ hai.
Các nhà kinh tế đã tranh luận về việc liệu Mỹ có rơi vào suy thoái hay không. Một số nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách đã bác bỏ những lập luận về việc Mỹ rơi vào suy thoái đầu năm 2022, với lý do tăng trưởng việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất vẫn đang mạnh mẽ.
“Các con số GDP và tổng thu nhập quốc nội được điều chỉnh cho thấy nền kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2022 yếu hơn so với báo cáo ban đầu,” ông Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính PNC, hôm qua nhận định.
Nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn chuyển đổi trong năm 2022, và các chỉ số kinh tế đang mâu thuẫn nhau, ông Faucher giải thích.
Theo ông Abbey Omodunbi, trợ lý Phó Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế cấp cao của PNC, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ vẫn tăng cao trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất quyết liệt để chống lại mức lạm phát cao kỷ lục.
Ông Omodunbi cho biết thêm: “Cùng với đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự chậm lại đáng kể của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất” như đầu tư kinh doanh và nhà ở.