(VnMedia) - Một chiến đấu cơ của Nga vừa bị cáo buộc đánh chặn một chiếc máy bay quân sự của Mỹ ở không phận quốc tế. Vụ việc này khiến Washington nổi giận và làm nghiêm trọng thêm mối quan hệ vốn đã đang căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Các hãng tin lớn của Mỹ dẫn lời giới chức quân sự nước này cho biết, một chiếc chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã thực hiện một hành động đánh chặn “thiếu chuyên nghiệp” nhưng không nguy hiểm đối với máy bay do thám quân sự P-8 của Hải quân Mỹ khi chiếc máy bay này bay trên bầu trời biển Baltic.
Chiến đấu cơ của Nga được cho là đã tiếp cận gần ở khoảng cách chỉ 6m với máy bay của Mỹ. Tuy nhiên, các phi công Mỹ cho hay, họ không cảm thấy bị đe dọa bởi hành động của máy bay Nga, hãng tin Fox đưa tin.
Một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ đã từ chối xác nhận các chi tiết nói trên của vụ việc nhưng khẳng định vụ đối đầu lần này giữa máy bay của hai nước Nga, Mỹ được xem là “an toàn”.
Sukhoi Su-27 vốn là niềm tự hào của Không quân Nga. Đây là đối thủ trực tiếp của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ như F-14 Tomcat, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet. Một chuyên gia về máy bay chiến đấu từng nhận xét Su-27 là một chiến đấu cơ thiện chiến, dễ điều khiển và hoàn hảo cho các cuộc không chiến.
Trong khi đó, P-8A Poseidon là loại máy bay tuần tra săn tàu ngầm tối tân do hãng Boeing sản xuất. P-8A Poseidon giúp nâng cao đáng kể khả năng trinh sát và tuần tra các vùng biển ven bờ của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, dòng máy bay tuần tra hải quân mới này cũng đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến săn ngầm, diệt hạm với trang bị vũ khí thích hợp. Máy bay này được trang bị hệ thống radar tối tân cùng với một loạt ngư lôi và tên lửa chống hạm. P-8A có thể bay xa hơn và thực hiện nhiệm vụ lâu hơn những chiếc P-3. "P-8A là máy bay chiến tranh chống tàu ngầm và tàu nổi tầm xa tối tân nhất thế giới hiện nay”, Lầu Năm Góc từng tự tin tuyên bố như vậy.
Máy bay Nga và Mỹ gần đây thường xuyên có những cuộc chạm trán nguy hiểm ở bầu trời các khu vực ở Biển Đen và biển Baltic, khiến mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai nước càng thêm căng thẳng. Biển Đen và biển Baltic lâu nay vốn được coi là “sân sau” của Nga nhưng Mỹ gần đây thường xuyên đưa các lực lượng quân sự, cả tàu chiến và máy bay quân sự, vào các khu vực này, khiến Moscow cảm thấy bất an.
Gần đây, hồi tháng Một đầu năm nay, Su-27 của Nga cũng từng đánh chặn một máy bay quân sự của Mỹ ở Biển Đen. Cụ thể, hôm 29/1, một chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã buộc một máy bay do thám Lockheed EP-3 của Mỹ phải bỏ nhiệm vụ ở Biển Đen và đổi hướng bay sau một vụ chạm trán trên không. Moscow cho biết, họ đã 'áp dụng mọi biện pháp đề phòng cần thiết' trong khi Lầu Năm Góc tức giận cáo buộc Nga thực hiện một vụ đánh chặn 'nguy hiểm.
Giới chức chính phủ Mỹ tố cáo, chiếc Su-27 của Nga đã bay sát máy bay EP-3 Aries của Mỹ ở trong khoảng cách 15m và đã trực tiếp bay vào đường bay của máy bay Mỹ, buộc máy bay của Mỹ phải từ bỏ nhiệm vụ khi chưa được hoàn thành. Vụ chạm trán này kéo dài suốt 2 giờ 40 phút.
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã lên án gay gắt vụ đánh chặn của phía Nga, chỉ trích Moscow phớt lờ luật quốc tế, cáo buộc chiến đấu cơ của Nga quấy rối máy bay Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế. "Trong khi máy bay Mỹ đang hoạt động theo luật quốc tế, phía Nga đã vi phạm trắng trợn những thỏa thuận đang có cũng như luật quốc tế, trong trường hợp này là Thỏa thuận năm 1972 về việc Ngăn chặn các Sự cố ở biển và trên bầu trời (INCSEA)," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Heather Nauert tức giận chỉ trích.
Moscow nhanh chóng bác bỏ cáo buộc về việc họ đã hành động một cách nguy hiểm. "Chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã thực hiện toàn bộ chuyến bay trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của quốc tế về việc sử dụng không phận. Không có tình huống bất thường nào xảy ra trong vụ đánh chặn”, tuyên bố của Nga nhấn mạnh.
Kiệt Linh (tổng hợp)