(VnMedia) - Tập đoàn Máy bay MiG của Nga vừa hoàn tất các đợt thử nghiệm cấp nhà máy đối với chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ tiếp theo MiG-35. Đó là thông tin vừa được văn phòng phụ trách báo chí của tập đoàn MiG đưa ra hôm qua (16/2).
“Các đợt thử nghiệm cấp nhà máy của chiến đấu cơ MiG-35 được sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga đã được hoàn tất. Chứng chỉ hoàn tất thử nghiệm cũng đã được ký xác nhận hồi tháng 12/2017”, văn phòng báo chí cho hay.
Trong các đợt thử nghiệm này, các chuyên gia của tập đoàn MiG đã tiến hành kiểm tra các thiết bị vô tuyến điện tử, tổ hợp định vị, radar, động cơ và một số hệ thống thiết bị khác trên khoang máy bay. Công tác thử nghiệm này được tiến hành suốt trong năm 2017 với sự hỗ trợ của các phi công thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
MiG-35 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4++, và là biến thể của dòng chiến đấu cơ MiG-29K/KUB and MiG-29M/M2.
![]() |
Sử dụng khung của MiG-29M1, trước đây được biết đến với tên gọi MiG-29OVT, MiG-35 được trang bị động cơ phản lực RD-33 với những miệng ống điều khiển hướng phụt linh động có khả năng cơ động cao, sức đẩy lớn.
Nga phát triển máy bay MiG-35 từ đầu những năm 2000 với việc tích hợp các công nghệ hàng không hiện đại trên khung thân máy bay chiến đấu đa năng MiG-29.
MiG-35 cũng có khả năng hoạt động linh hoạt, khi cần máy bay có thể lắp thêm thùng dầu phụ làm tăng trọng lượng cất cánh lên khoảng 6 tấn, nhưng mở rộng tầm hoạt động của máy bay lên hơn 1.000km.
Ngoài ra, MiG-35 vẫn giữ được truyền thống của máy bay tiêm kích đánh chặn điểm của MiG-29 là khả năng hoạt động trên đường băng dã chiến hoặc môi trường nhiều cát bụi.
Giám đốc điều hành hãng chế tạo MiG, Victor Chernov từng khẳng định, máy bay chiến đấu MiG-35 chính là bước chuyển để tiến tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của hãng.
"Sử dụng lớp sơn phủ đặc biệt mới, MiG-35 được tối ưu khả năng tàng hình với bề mặt bộc lộ trên màn hình ra-đa ở bán cầu phía trước chỉ khoảng 1,3m", ông V. Chernov nói. Cùng với đó, việc áp dụng vật liệu và công nghệ mới giúp kéo dài vòng đời phục vụ của máy bay lên tới 40 năm với chi phí bảo dưỡng thấp.
MiG-35 được kì vọng là mặt hàng vũ khí xuất khẩu tiềm năng của Nga. Nga đang xúc tiến tiếp thị loại máy bay mới này tới nhiều nước khác nhau như Syria, Libya, Iran, Algérie, Sudan, Ấn Độ, Mexico, Brazil, Peru và một vài nước khác.
Điểm đáng chú ý là MiG-35 được trang bị hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động (AESA) Zhuk-A cải thiện tầm quét, số mục tiêu theo dõi và khả năng hoạt động ở môi trường đối kháng điện tử mạnh.
Mới đây, Trưởng phòng thiết kế của Tập đoàn Chế tạo Máy bay Thống nhất Nga - ông Sergei Korotkov từng cho biết, hệ thống radar của chiến đấu cơ tối tân nhất của Nga - Mikoyan MiG-35 có khả năng truy lùng tới 30 mục tiêu cùng một lúc.
Theo đó, Nga đã phát triển loại radar hiện đại đã được nâng cấp Zhuk-AME, với mảng pha linh hoạt để trang bị cho tiêm kích MiG-35.
Nhờ "mắt thần" này, tiêm kích MiG-35 có thể theo dõi cùng lúc 30 mục tiêu, đồng thời bắn 6 trong số đó, điều này khiến bất cứ đối thủ nào của Nga cũng phải khiếp sợ.
“Radar trên khoang chiến đấu cơ này có khả năng tìm kiếm và phát hiện từ 10 đến 30 mục tiêu cùng một lúc ở khoảng cách 160 km”, ông Korotkov cho biết tại buổi thuyết trình quốc tế về chiến đấu cơ MiG-35.
Với radar Zhuk-AME, phi cơ có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện thời tiết bất lợi nhất, cũng như trong điều kiện đối phương thực hiện các biện pháp đối phó điện tử.
Theo lãnh đạo tập đoàn KRET, radar Zhuk-AME đã nhận được giấy chứng nhận xuất khẩu. Radar này vượt trội so với loại radar cạnh tranh về các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật, được thiết kế để lắp đặt trên máy bay thế hệ mới, bao gồm phi cơ chiến đấu MiG-35.
Đan Khanh (tổng hợp)