Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô

0
0

 - Giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều...

Giữ nguyên thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện

Thông tin về những điểm mới của Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (Quyết định 24) đã được Bộ Công Thương thực hiện từ lâu và đã trải qua nhiều lần trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24. Về cơ bản, một số quy định chính trong Dự thảo Quyết định được kế thừa từ Quyết định 24, như về thẩm quyền điều chỉnh giá bán điện bình quân, công thức tính và nguyên tắc chính của việc điều chỉnh giá điện.

Tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất giữ nguyên thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện như tại Quyết định 24, theo đó nếu giá điện cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh, từ 5% đến dưới 10% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận trước khi thực hiện, từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Công thức tính toán giá bán điện bình quân tiếp tục được áp dụng tương tự Quyết định 24, trong đó ngoài chi phí sản xuất kinh doanh điện dự kiến phát sinh trong năm của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, điều hành - quản lý ngành), giá bán điện bình quân có tính đến các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện, đây là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa được tính vào giá điện ở những lần điều chỉnh trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện

Cục Điều tiết điện lực cho biết, điểm mới của Dự thảo lần này so với Quyết định 24 đó là cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 06 tháng xuống 03 tháng; quy định cụ thể về hồ sơ phương án giá điện của EVN và quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, vai trò giám sát của các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan trong quy trình xây dựng và điều chỉnh giá điện.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho hay, Quyết định 24 quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào ở thời điểm tính toán so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua cho thấy để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, mức điều chỉnh thực tế có thể thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và so với kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh (sẽ có nhiều khoản chi phí chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính vào giá điện).

Hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 24 là tối thiểu 06 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện. Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 cũng đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong ngắn hạn giai đoạn trước 2025 là điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện.

Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, với việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN; bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường. Nội dung đề xuất này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý Dự thảo Quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 06 tháng xuống 03 tháng không có nghĩa là cứ 03 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.

Có thể khẳng định, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò chính trong điều hành giá điện, tuy nhiên vừa qua nhiều ý kiến cho rằng việc đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê… là chưa hợp lý vì quy định đã có. Nêu quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Trần Việt Hòa  khẳng định, Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24 có tính kế thừa và chỉ điều chỉnh một số nội dung mới cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về thị trường năng lượng nói chung, thị trường điện nói riêng; phù hợp với thực tiễn và xu hướng hội nhập.

Và với vai trò là Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò, trách nhiệm chính trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như là tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện.

Trên cơ sở quy định về Quy chế làm việc của Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan liên quan đã được quy định, việc tham gia quá trình xây dựng cơ chế, kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện là một trong những nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc


Nhà đầu tư đua nhau mua vào, giá vàng bật tăng mạnh mẽ

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (18/5 - theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh mẽ sau phiên giảm trước đó. Trong khi đó, cuối phiên giao dịch hôm qua, 17/5, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn duy trì ở mức 90 triệu đồng/lượng.

Nhanh chóng và nhiều tiện lợi, thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi

(VnMedia) - Nghiên cứu từ Visa cho thấy, những xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời mở ra bước tiến quan trọng hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán - tài chính trong thời gian tới đây.

Các vụ tấn công mạng phơi bày sự yếu kém của hệ thống y tế Mỹ

(VnMedia) - Hai cuộc tấn công bằng ransomware gần đây đã làm tê liệt hệ thống máy tính của hai bệnh viện chăm sóc sức khỏe lớn của Mỹ, gián đoạn quá trình chăm sóc bệnh nhân và bộc lộ những điểm yếu cơ bản trong “hàng rào” bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe trước tin tặc.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phát triển ngành logistics

(VnMedia) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc. Bởi ngành hàng hải, ngành hàng không đòi hỏi tính hội nhập cao và sự tuân thủ các quy định của quốc tế.

Nhiều nạn nhân "sập bẫy", mất tiền tỷ khi làm cộng tác viên online

(VnMedia) - Liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi chiêu trò làm cộng tác viên online thanh toán đơn hàng để nhận hoa hồng...