(VnMedia) - Trong 10 năm qua, hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn. Đáng chú ý, năm 2017 giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.
Trong những năm qua, thị trường M&A Việt Nam thực sự đã có cú đột phá ngoại mục nhờ vào sức đẩy mãnh mẽ từ các thương vụ IPO của các doanh nghiệp lớn cùng nhiều chính sách thuận lợi cho thị trường, đưa thị trường M&A Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD - giá trị cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, nó cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò như một sức đẩy đưa hoạt động M&A tại Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới với nhiều thương vụ mới, nhiều sự tiếp cận đa dạng và ẩn chứa nhiều điều ngoài sức tưởng tượng hơn nữa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.
![]() |
Bằng chứng, tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.
Cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam. Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, để tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính Phủ giao 3 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất là, xây dựng Chiến lược quốc giá về cách mạng công nghiệp 4.0, có tác động to lớn, nhưng lại là cơ hội vàng cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể tăng tốc, phát triển và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển.
Thứ hai, tận dụng cơ hội từ khả năng đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển trong thời đại 4.0.
Thứ ba, vấn đề nhân lực. Người Việt tài năng có mặt trên khắp thế giới, nắm nhiều vị trí quan trọng ở các trung tâm nghiên cứu, ở các tập đoàn lớn...
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc thiết lập mạng lưới kết nối các tri thức Việt Nam ở nước ngoài và tri thức trong nước để cùng đóng góp, nghiên cứu, phát triển và phục vụ cho các yêu cầu mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1232/QĐ-TTg vào tháng 8/2017 về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định số 991/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020. Đây là các dữ liệu quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xây dựng chiến lược thực hiện mua cổ phần, vốn tại các doanh nghiệp quan tâm.
Riêng trong năm 2018, sẽ có hàng loạt các công ty phát điện (GENCO) của EVN sẽ cổ phần hóa. Bên cạnh đó là các công ty Thuốc lá Việt Nam, Vinacafe, Tập đoàn Cao su, Hóa chất…
Minh Ngọc