(VnMedia) – Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay (4/6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sớm đổi tên trạm phí giá BOT thành trạm thu phí mà không phải trình Chính phủ xem xét.
Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề như: giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) .
Trước khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ sớm đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí. Việc thay đổi này không cần phải nghiên cứu và trình.
![]() |
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh số năm thu phí giao thông với dự toán được phê duyệt và kết quả kiểm toán đã công bố. Đồng thời, đề nghị làm rõ việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở nâng cấp đường quốc lộ 1 được khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Theo Luật và Nghị định của Chính phủ, Bộ đã ký đấu thầu, ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án BOT được duyệt. Dự án BOT có nhiều hạng mục dự phòng khối lượng, dự toán công tác giải phóng mặt bằng dễ phát sinh kinh phí. Do đó, dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh. Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT, để đảm bảo tính công khai minh bạch, Bộ đã kiến nghị kiểm toán nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ giao thông vận tải quyết toán. Vì vậy, trong số 56 trạm thu phí BOT, kiểm toán nhà nước đã kiểm toán 50 trạm. Còn 6 dự án nữa đang triển khai.
Theo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Bộ giao thông đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT trong hợp đồng có điều khoản, giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ giao thông vận tải điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí do vậy việc kiểm toán nhà nước phát hiện chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị thực tế là điều hiển nhiên.
Theo số liệu chúng tôi so sánh, số liệu kiểm toán và số liệu quyết toán của Bộ giao thông vận tải luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt số liệu quyết toán của Bộ thấp hơn số liệu kiểm toán. Do vậy, sự phát hiện của cơ quan kiểm toán là rất tốt nhưng Bộ cũng đã thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi của người dân, của Nhà nước với những dự án BOT
Việc thu phí BOT, Bộ đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của người dân do đó trong thời gian qua, khi mặt bằng giá lên cao. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ đã họp với địa phương rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần từ 35.000 đồng/lượt/xe giảm xuống 15.000 đồng. Căn cứ giảm phí là căn cứ vào lượng xe qua các trạm và khả năng hoàn vốn để điều chỉnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Tháng 2/2018, Chính phủ có chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh việc thu phí không dừng. Bộ trưởng có thể cho biết tiến độ thực hiện vấn đề này như thế nào?
Việc phê duyệt đề án thu phí không dừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Chính phủ yêu cầu, đến cuối năm 2018, toàn bộ trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành. Các trạm BOT khác phải hoàn thành trước 2019. Việc thu phí tự động là biện pháp công khai minh bạch. Tới đây khi áp dụng đồng bộ thu phí không dừng, người dân giám sát được nguồn thu của các trạm. Chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao.
Bộ GTVT rất hiểu vùng Tây Bắc giao thông phức tạp, khó khăn. Bản thân tôi đã tham gia đi thực tế ở Hà Giang nhiều lần rồi. Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ để thực hiện các dự án hạ tầng. Nhưng hiện nay nguồn vốn đầu tư cho giao thông của Nhà nước còn khó khăn. Bộ đã trình lên kế hoạch 920.000 tỷ đồng để phát triển giao thông nhưng Nhà nước chỉ bố trí được hơn 200.000 tỷ đồng. Thời gian tới, bản thân tôi sẽ trực tiếp đến vùng Tây Bắc nghiên cứu phát triển giao thông.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM): Một số cử tri cho biết một số doanh nghiệp tại các địa phương được chỉ định thầu hoặc đấu thầu cho có. Điều này dẫn đến độc quyền, đội vốn. Thực tế, có dự án đội vốn 36 lần. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng này không?
Tôi khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.
Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu. Có nhiều dự án chúng tôi kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra.
Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí.
Bộ đã họp giao ban hàng tháng, hàng quý với các nhà thầu để đốc thúc. Về việc thực hiện quyết toán các dự án, tôi cho rằng Bộ GTVT đã làm đúng theo quy định của phát luật. Chúng tôi nhận thức các dự án PPP, dư luận sẽ rất quan tâm.
Vì thế, Bộ đã đề nghị Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán. Khi triển khai về vị trí, mức thu đều có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội để lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, khả thi… Làm sao để tránh đội vốn, không bị chậm tiến độ.
Khánh An (ghi)