(VnMedia) - Ngoài bí mật nhà nước; hàng loạt thông tin khác công dân cũng không được tiếp cận như: thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ…
![]() |
Bí mật nhà nước và bí mật cơ quan
Từ 1/7/2018, Luật Tiếp cận thông tin đã có hiệu lực. Trong Luật này quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật này. Công dân cũng được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật này.
Đáng chú ý, ngoài thông tin thuộc dạng bí mật nhà nước thì người dân cũng không được tiếp cận với hàng loạt loại thông tin như: Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ…
Luật cũng quy định một số loại thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện như: Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý;
Ngoài ra, công dân được tiếp cận có điều kiện với một số loại thông tin khác như: Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Phải công khai danh mục bí mật nhà nước
Liên quan đến vấn đề bí mật nhà nước, tại phiên họp cuối tuần trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, hiện nay “rất phổ biến” tình trạng đóng dấu mật vào danh mục bí mật nhà nước, khiến cho mọi người không biết đâu là thông tin mật để ứng xử cho đúng luật.
“Ví dụ thông tin về kinh tế chưa công bố trong lĩnh vực kế hoạch 5 năm là mật; thông tin về vấn đề nhân sự của lãnh đạo bộ, chuẩn bị bầu cử là tối mật. Danh sách đó ta hình dung như hàng rào, đã là hàng rào thì phải công khai thì người ta mới biết đấy là hàng rào để người ta không vượt qua. Danh mục lại đóng dấu mật vào đấy thì người ta bảo hàng rào ở dưới đất, tôi không nhìn thấy nên thực tế công việc gặp nhiều vướng mắc” - ông Định nói.
Tán thành với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật về danh mục bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, danh mục bí mật nhà nước phải được công khai, đồng thời cần bảo đảm luật này phải phù hợp với các luật khác để đảm bảo quyền của cơ quan, tổ chức, công dân được biết thông tin và phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, danh mục bí mật nhà nước phải được quy định chặt chẽ, hẹp hơn nữa, sát đúng vào những vấn đề cần phải bảo vệ bí mật nhà nước và danh mục này nên do Quốc hội ban hành.
“Danh mục bí mật nhà nước có tính ổn định tương đối lâu dài và có thể xác định được, chỉ có khác là quá trình phát triển, vật chứa thông tin có thể thay được. Chủ tịch Hội đồng đề nghị nên ban hành danh mục bí mật nhà nước ngay trong luật này” - ông Chiến đề nghị.
Xuân Hưng