- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (9/4) đã nói với tờ Politico rằng Tây Âu phải theo đuổi “quyền tự chủ chiến lược” và tránh bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu thay cho Mỹ. Tổng thống Pháp từng thể hiện lập trường tương tự trước đây nhưng vẫn đi theo sự dẫn dắt của Washington trong vấn đề Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi đang công du ở Trung Quốc vào tuần vừa rồi, Tổng thống Macron đã nói với trang tin Politico rằng “Châu Âu phải đối mặt với rủi ro lớn” nếu châu lục này “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”, ám chỉ đến những cuộc đối đầu liên quan đến đồng minh Mỹ.
“Nghịch lý là, trong cơn hoảng loạn, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ là những người theo chân Mỹ. Câu hỏi mà người châu Âu cần trả lời là… liệu chúng ta có muốn đẩy nhanh một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan hay không? Không. Điều tồi tệ hơn là chúng ta nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải trở thành những người theo chân Mỹ trong vấn đề này và đi theo chương trình nghị sự của Mỹ cũng như đi theo phản ứng thái quá của Trung Quốc”, Tổng thống Macron cho hay.
Nhà lãnh đạo Pháp đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc phỏng vấn, sau đó ông kết luận rằng nếu “Châu Âu không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thì làm sao chúng ta có thể nói một cách chắc chắn về vấn đề Đài Loan rằng: 'hãy coi chừng, nếu bạn làm sai điều gì đó, chúng tôi sẽ ở đó'?"
Vài giờ sau khi Tổng thống Macron rời không phận Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh bán đảo Đài Loan - một động thái được nhiều người coi là phản ứng đối với việc Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-Wen tổ chức một cuộc họp với các nhà lập pháp Mỹ ở California hồi giữa tuần trước.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức thấp trong lịch sử, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm ngoái đã nhiều lần gợi ý rằng Washington sẽ can thiệp quân sự để ngăn Bắc Kinh thống nhất Đài Loan với đại lục. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm cả Tổng thống Macron dường như bằng lòng đứng ngoài cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan thì việc các nước này khăng khăng thúc giục Trung Quốc tố cáo Nga về hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine đã khiến ông Tập Cận Bình thực sự tức giận, nguồn tin từ các phương tiện truyền thông và bình luận từ các quan chức Trung Quốc đã cho thấy như vậy.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã làm thất bại phần lớn các cuộc thảo luận về “quyền độc lập chiến lược” ở châu Âu. Trong khi Tổng thống Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rất nhiều về việc giảm bớt sự phụ thuộc của Châu Âu vào Mỹ trong những năm gần đây, thì một sự thay đổi quyền lực ở Berlin đã chứng kiến chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đảo ngược chính sách đối ngoại hòa bình trong nhiều thập kỷ để vũ trang cho Ukraine theo lệnh từ Washington. Cả Pháp và Đức đã cung cấp xe bọc thép, đạn dược và trong trường hợp của Đức là xe tăng cho các lực lượng quân sự của Kiev để giúp họ chiến đấu chống lại Nga.
Với việc chi phí năng lượng và lạm phát gia tăng chóng mặt góp phần gây ra bất ổn trong nước, Tổng thống Macron vẫn ủng hộ tất cả 10 gói trừng phạt chống Nga của Liên minh Châu Âu (EU). Mặc dù đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần kể từ tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Macron đã không thể thúc đẩy Điện Kremlin ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng thống Pháp “vẫn đang nói về sự độc lập chiến lược của EU” trước Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết vào mùa hè năm ngoái. Ông này đồng thời nói thêm rằng, “Tôi chắc chắn rằng họ sẽ không được phép có điều đó”.