- Serbia không đồng ý với đề xuất "bình thường hóa" của Liên minh Châu Âu (EU) về quan hệ với tỉnh ly khai Kosovo, Tổng thống Aleksandar Vucic hôm qua (28/2) cho biết khi ông này xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Ông Vucic nói thêm rằng Belgrade đang đối mặt với những lời đe dọa từ Brussels, nhưng vẫn từ chối thảo luận về việc công nhận Kosovo cũng như việc Kosovo gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ).
Tổng thống Aleksandar Vucic |
Những phát biểu trên được Nhà lãnh đạo Serbia đưa ra một ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của EU - ông Josep Borrell cho biết trên Twitter rằng cả Belgrade và Pristina đều ủng hộ đề xuất của Pháp-Đức về “con đường bình thường hóa” quan hệ giữa Serbia và Kosovo.
Thủ tướng Kosovo Albin Kurti sau đó cho biết ông đã đề nghị ký vào kế hoạch, nhưng Tổng thống Vucic đã từ chối làm như vậy, mặc dù rõ ràng ông ấy đã "đồng ý" với nó.
Tuy nhiên, Tổng thống Vucic hôm qua đã khẳng định rằng các bên “không đồng ý” với nội dung đề xuất của Pháp-Đức mà đơn giản chỉ đồng ý tiếp tục đàm phán. Ông Vucic nói thêm rằng "không có gì được ký kết tại Brussels."
Serbia “sẵn sàng thực hiện nhiều điểm trong bản đề xuất đó”, Tổng thống Vucic cho hay nhưng nhấn mạnh Belgrade vẫn không muốn thảo luận về “sự công nhận lẫn nhau” cũng như việc Kosovo gia nhập LHQ.
Serbia đã không ký bất kỳ "thỏa thuận bí mật" nào, Tổng thống Vucic cho biết đồng thời nói thêm rằng "không có một thỏa thuận nào bị che giấu" và ông "không có gì để che giấu." Ông Vucic cũng miêu tả những phát biểu của ông Borrell là "rất mơ hồ" và nói rằng ông sẵn sàng thảo luận về "khái niệm" bình thường hóa.
Nhà lãnh đạo Serbia thề rằng ông sẽ không bao giờ ký bất kỳ "sự công nhận chính thức hoặc không chính thức nào đối với Kosovo" chừng nào ông còn là Tổng thống của Serbia. Ông Vucic cũng thừa nhận rằng Belgrade đang phải đối mặt với áp lực từ Brussels và hậu quả của việc từ chối kế hoạch này sẽ là tiến trình Serbia được kết nạp vào Liên minh châu Âu bị đình trệ và các khoản đầu tư của EU bị rút lại.
“Chúng tôi hiện có 80.000 người làm việc riêng trong các nhà máy do Đức làm chủ. Họ đe dọa một số biện pháp khác, bao gồm cả việc Serbia sẽ trở thành một nước bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới” ông Vucic nói.
Một kế hoạch của EU do Cơ quan hành động đối ngoại của liên minh này đưa ra đã nói rằng Serbia và Kosovo sẽ “phát triển mối quan hệ láng giềng bình thường, tốt đẹp với nhau trên cơ sở quyền bình đẳng” và cuộc đối thoại của họ sẽ được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Liên hợp quốc, bao gồm cả “những nguyên tắc của quốc gia có chủ quyền bình đẳng của tất cả các quốc gia.”
EU đã kiên quyết yêu cầu Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo như một điều kiện tiên quyết để gia nhập khối, mặc dù năm quốc gia thành viên - Tây Ban Nha, Slovakia, Síp, Hy Lạp và Romania - cũng không công nhận điều đó.
Mặc dù các nhà ngoại giao Pháp và Đức đã trình bày kế hoạch nói trên với Belgrade và Pristina vào tháng trước, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được công khai. Một cuộc thăm dò gần đây ở Serbia cho thấy 57% số người được hỏi ủng hộ một phiên bản khác, trong đó sẽ không có sự công nhận Kosovo. Chỉ có 9% ủng hộ những gì được đưa ra trong kế hoạch của EU do Pháp và Đức đề xuất.
Tổng thống Vucic từng tức giận cáo buộc phương Tây hai mặt khi các nước này ủng hộ Ukraine nhưng lại “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền của Serbia.
Các nước phương Tây không giải thích được lý do tại sao họ có lập trường khác nhau về vấn đề sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Serbia khi họ ủng hộ cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Nga nhưng lại phê chuẩn nền độc lập của Kosovo, Tổng thống Vucic từng lên tiếng chỉ trích như vậy. Ông Vucic cũng nhấn mạnh rằng trong khi NATO cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ toàn diện của Serbia thì liên minh này đã không ngăn chặn nhiều quốc gia phương Tây đơn phương thừa nhận tỉnh ly khai Kosovo vào năm 2008.
NATO đã chiếm Kosovo vào năm 1999 sau một chiến dịch đánh bom kéo dài 78 ngày nhằm vào nước từng là Yugoslavia. Tỉnh Kosovo đã tuyên bố độc lập vào năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây. Trong khi Mỹ và hầu hết các nước đồng minh thừa nhận nền độc lập của Kosovo thì nhiều nước khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, không công nhận.