- Nga hôm qua (28/12) đã bác bỏ đề xuất của Kiev về việc tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" do Liên Hợp Quốc làm trung gian bằng cách ví nó như một lỗi máy tính và gọi đó là "ngoại giao 404".
Tổng thống Ukraine |
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trước đó hôm thứ Hai (26/12) đã nói với hãng tin AP rằng Kiev muốn có một hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong khung thời gian hai tháng và kêu gọi Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đứng ra làm trung gian.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kuleba nói rằng trong khi Kiev sẽ cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến vào năm 2023, họ không tin rằng Nga sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh.
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách ngoại giao", ông Kuleba cho hay đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “tất cả các cuộc chiến tranh đều kết thúc do các hành động được thực hiện trên chiến trường và trên bàn đàm phán."
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đề xuất một "công thức hòa bình" gồm 10 bước khi phát biểu trước G7 vào tháng 10, trong đó bao gồm một tòa án chiến tranh để buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh đã gây ra ở Ukraine.
Tăng cường viện trợ quốc phòng từ các đồng minh phương Tây cũng rất quan trọng trong kế hoạch chấm dứt chiến tranh của Nhà lãnh đạo Ukraine. Ông này cũng tuyên bố không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ukraine coi việc đàm phán với Moscow là không thể do Moscow đưa ra "tối hậu thư" và những nỗ lực bất hợp pháp nhằm đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ Ukraine, như 4 khu vực mà Nga sáp nhập vào đầu năm nay cũng như Crimea mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014.
"Loại 'thượng đỉnh hòa bình' nào có thể diễn ra mà không có Nga", Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho biết theo hãng thông tấn nhà nước Nga Itar Tass.
Ông Polyansky gọi đề xuất này là "ngoại giao 404" và nói rằng "rất dễ dàng" để tưởng tượng một hội nghị thượng đỉnh không có Ukraine.
Kiev hồi đầu tuần thậm chí còn lập luận rằng Nga thậm chí không nên là một phần của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cho rằng nước này đã giữ vị trí này một cách "bất hợp pháp" sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.