- Hy vọng là các nhà lãnh đạo phương Tây có "đủ thông minh" để tránh một cuộc đối đầu quân sự trực diện với Nga, Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã phát biểu như vậy.
Để quân đội NATO đối đầu trực tiếp với quân đội Nga sẽ là một bước đi ngu ngốc có thể dẫn đến "thảm họa toàn cầu", Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (14/10) đã đưa ra cảnh báo như vậy sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung Á ở Astana, Kazakhstan.
Khi được hỏi liệu NATO có thể đưa quân vào Ukraine nếu nước này sắp bị đánh bại trong cuộc xung đột với Nga hay không, Tổng thống Putin đã thẳng thừng nói rằng đó sẽ là một “bước đi nguy hiểm có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu”.
“Tôi hy vọng rằng những người nói về điều này sẽ có đủ trí thông minh để ngăn chặn một bước đi nguy hiểm như vậy xảy ra,” ông chủ điện Kremlin cảnh báo thêm.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết cần phải hiểu từ "thất bại" có nghĩa là gì trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine. “Mọi người có thể hiểu điều này theo cách khác nhau,” Tổng thống Putin cho hay đồng thời giải thích rằng một số người có thể đã coi việc Crimea bỏ phiếu trở thành một phần của Nga vào năm 2014 là một thất bại đối với Ukraine.
Phương Tây đã viện trợ hàng chục tỷ đô la tài chính và quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2, đặc biệt là Mỹ thề sẽ hỗ trợ Kiev “chừng nào có thể” để đánh bại quân đội của Moscow.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần nhấn mạnh rằng liên minh do Mỹ đứng đầu “không phải là một bên trong cuộc xung đột” ở Ukraine. Tuy nhiên, trong tuần này, ông Stoltenberg lại thừa nhận rằng một chiến thắng của Nga sẽ được coi là "thất bại" đối với toàn bộ liên minh phương Tây và vì thế NATO đã cung cấp "sự hỗ trợ chưa từng có" cho Kiev để tránh viễn cảnh như vậy.
Những phát biểu trên của Tổng thư ký Stoltenberg được coi là "một lời xác nhận công khai về sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc chiến", cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới đây đã cáo buộc như vậy.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hồi giữa tuần đã một lần nữa yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp cho nước này hàng chục tỷ USD và cầu xin phương Tây cung cấp thêm vũ khí phòng không để giúp họ tiếp tục chiến đấu chống lại Nga.
Moscow từ lâu đã cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí cho Kiev, nói rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.