- Tổng thống Mahmoud Abbas đã nói rằng ông không tin tưởng vào sự hòa giải đơn phương của Washington trong cuộc xung đột Palestine-Israel.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) hồi cuối tuần vừa rồi đã nói với tờ Axios rằng, Nhà Trắng “vô cùng thất vọng” về việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng đối với các nỗ lực ngoại giao của Washington trong việc tìm hướng giải quyết cho mối quan hệ căng thẳng, đối đầu kéo dài giữa Palestine với Israel.
Tuần trước, khi Tổng thống Abbas ca ngợi “lập trường rõ ràng” của Nga về một giải pháp hòa bình giữa Palestine và Israel, ông đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với cái gọi là Bộ Tứ về Trung Đông - một cơ chế 4 bên được lập ra để làm trung gian hòa giải giữa hai nước Palestine và Israel. Bộ Tứ này bao gồm 4 bên là Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh Châu Âu (EU). Ông Abbas nhấn mạnh rằng Washington không thể là lực lượng hòa giải duy nhất cho cuộc đối đầu giữa nước ông với Israel.
"Chúng tôi không tin tưởng vào Mỹ và các bạn đều biết lập trường của chúng tôi ... trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi không thể chấp nhận việc Mỹ là bên duy nhất trong việc giải quyết một vấn đề", Tổng thống Abbas đã thẳng thắn bày tỏ như vậy với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA) vừa diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tuần trước.
Nhà lãnh đạo Palestine cũng khen ngợi Nga về việc đã "đứng về phía công lý và luật pháp quốc tế."
Theo hai nguồn tin của Axios, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "tức giận" trước những phát biểu nói trên của Tổng thống Palestine Abbas và đã truyền đi thông điệp tức giận này đến Nhà lãnh đạo Palestine thông qua các cố vấn của ông. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã nói với hãng tin Axios rằng "chúng tôi vô cùng thất vọng khi nghe những lời phát biểu của Tổng thống Abbas đối với Tổng thống Putin."
“Nga không ủng hộ công lý và luật pháp quốc tế, bằng chứng là cuộc bỏ phiếu mới nhất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc,” người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói thêm. Ông này đang nhắc đến cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết gần đây nhằm bác bỏ các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực của Ukraine – những khu vực đã bỏ phiếu đồng ý sáp nhập vào Nga.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng lên án Tổng thống Putin, miêu tả Nhà lãnh đạo Nga “không phải là một kiểu đối tác quốc tế" có thể giúp giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, trái ngược với Tổng thống Biden - người "đã thể hiện cam kết của Mỹ trong nhiều thập kỷ về việc tìm kiếm các giải pháp mang tính sáng tạo."
Phát biểu trên được vị quan chức của Mỹ đưa ra một tuần sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc gặp với ông Hussein Al-Sheikh - một quan chức hàng đầu của Palestine, để thảo luận về sự ổn định trong khu vực.
Cuộc gặp giữa ông Sullivan và vị quan chức cấp cao của Palestine diễn ra sau cuộc hội đàm vào tháng 7 giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Abbas, trong đó ông chủ Nhà Trắng khẳng định cam kết của mình với ý tưởng thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, ông Biden đã trả lời là "đây chưa phải là thời điểm thích hợp" cho câu hỏi về việc khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, Tổng thống Abbas lại cho rằng cơ hội cho một giải pháp hai nhà nước có thể đang dần tuột mất.
Các nhà phân tích cho rằng Nhà lãnh đạo Mỹ đang cố gắng hàn gắn quan hệ với Palestine sau khi người tiền nhiệm Donald Trump theo đuổi các chính sách có lợi cho Israel. Tuy nhiên, Nga và Palestine đã có quan hệ nồng ấm trong nhiều năm qua và Tổng thống Abbas đã đến thăm nước này hơn chục lần.