- Khi ở Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt tay với các quan chức Israel dù trước đó phía Mỹ thông báo Tổng thống Biden sẽ hạn chế tiếp xúc và không bắt tay vì lo ngại dịch bệnh Covid-19. Chuyện bắt tay vốn bình thường này đang trở thành chủ đề gây chú ý và nhiều người đang đặt câu hỏi liệu ông chủ Nhà Trắng có tránh bắt tay khi đến Ả-rập Xê-út như thông báo trước chuyến đi và nếu không bắt tay thì liệu đó chỉ đơn thuần là vì Covid-19 hay thực chất đằng sau nó có lý do chính trị nào khác?
![]() |
Tổng thống Biden bắt tay các quan chức Israel. |
Khi Ngoại trưởng Israel Yair Lapid và các quan chức khác của Israel chìa tay ra để chào đóng Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông đặt chân xuống Sân bay Ben Gurion ngày hôm qua (13/7), ông Biden đã đáp lễ bằng kiểu chào đặc trưng của đàn ông là chạm nắm đấm vào nhau.
Nhưng sau khi có bài phát biểu tại sân bay, Tổng thống Biden lại cùng các quan chức Israel tham gia buổi chụp ảnh, bắt tay cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và người kế nhiệm ông – Thủ tướng Naftali Bennett.
Những cái bắt tay là thông lệ hoàn hảo cho một chuyến công du ngoại giao nhưng nó đang nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi do thông điệp mà Nhà Trắng gửi đi trước thềm chuyến thăm.
Các cố vấn của ông Biden hôm qua đã thông báo rằng họ sẽ “giảm tiếp xúc” trong chuyến đi do tình trạng lây lan virus corona. Thông báo trên làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh cuộc gặp gây tranh cãi sắp tới giữa Tổng thống Biden với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman trong chuyến công du lần này.
Tổng thống Biden từng miêu tả chính phủ Ả-rập Xê-út là “một quốc gia bị bài xích” vì vai trò của nước này trong vụ giết hại phóng viên của tờ Washington Post cũng là một nhà chính trị đối lập - Jamal Khashoggi năm 2018. Ông Biden chần chừ không muốn gặp Thái tử Ả-rập Xê-út vì tình báo Mỹ tin rằng ông này chính là người đứng đằng sau trong vụ giết hại phóng viên Khashoggi.
"Nhà Trắng đang tìm cách tránh có một bức hình Tổng thống Biden bắt tay Thái tử Ả-rập Xê-út, đặc biệt sau khi tờ Washington Post có bài xã luận lên án cuộc gặp này. Covid chỉ là một cái cớ đơn giản nhưng nó sẽ không làm thay đổi thực tế về việc có một cuộc gặp gỡ như vậy”, ông Bruce Riedel – một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Viện Brookings, nhận định.