- Đà giảm mạnh nhất của đồng đô la Mỹ (USD) trong hơn một thập kỷ đang chững lại sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cảnh báo lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt.
Kể từ cuộc họp của Fed vào tuần trước, đồng bạc xanh đã phục hồi hơn 2% từ mức thấp nhất trong 21 tháng, chấm dứt chuỗi 4 tháng lao dốc. Chỉ số Đô la Mỹ đã giảm 1,4% trong tháng 1, thêm vào mức giảm 7,7% của quý trước, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2010, do các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất khi áp lực lạm phát giảm bớt.
Lãi suất tăng có xu hướng hỗ trợ giá trị của một loại tiền tệ vì chúng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đông thời Chủ tịch Fed Powell phát đi tín hiệu cho thấy có thể sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa. “Chúng ta có thể sẽ cần phải tăng thêm lãi suất,” ông Powell nói, đồng thời cho biết thêm rằng chi phí đi vay sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Ngay sau cuộc họp ngày 1/2, sự phục hồi của đồng đô la bắt đầu diễn ra, tăng 0,6% trong một ngày.
Phát biểu của ông Powell được đưa ra sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng đầu tiên của năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3,4% trong tháng 1 - mức thấp nhất trong 54 năm.
Một thị trường lao động mạnh mẽ, dẫn đến tăng lương và tăng khả năng chi tiêu cho người tiêu dùng, có thể cản trở cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Lạm phát đã được kiểm soát kể từ giữa năm 2022, với chỉ số của tháng 12 là 6,5%, mức thấp nhất trong hơn một năm.
"Sẽ rất thú vị để xem liệu đồng đô la có thể giữ được mức tăng hay không, vì chúng tôi nghi ngờ rằng hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác có thể làm theo để tăng lãi suất cao hơn dự kiến trước đó", ông Matthew Ryan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của công ty dịch vụ tài chính Ebury cho biết.