- Liên minh dầu mỏ OPEC+ do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các nhà sản xuất đối tác bao gồm cả Nga đã không thay đổi mục tiêu cung cấp dầu cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh có sự bất ổn gây ra từ tác động của các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga. Đòn trừng phạt mới của phương Tây có thể làm mất đi một lượng dầu đáng kể của Nga ra khỏi thị trường.
Quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp của các Bộ trưởng dầu mỏ các nước thành viên OPEC+ diễn ra ngày hôm qua (4/12), đúng một ngày trước thời điểm hai biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có hiệu lực. Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định thực hiện lệnh cấm vận đối với hầu hết dầu mỏ của Nga và áp đặt mức giá trần 60 USD/1 đối với dầu xuất khẩu của Nga. Hai biện pháp này là nhằm đánh vào thu nhập từ dầu mỏ của Nga để đáp trả cuộc chiến của nước này ở Ukraine. Phương Tây hy vọng, với các đòn trừng phạt mới của họ, nguồn ngân quỹ dành cho chiến tranh của Nga sẽ sụt giảm mạnh.
Vẫn chưa rõ liệu hai biện pháp trừng phạt nói trên có thể loại bỏ bao nhiêu dầu của Nga ra khỏi thị trường toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nguồn cung bị thắt chặt và đẩy giá lên cao. Nga – nước sản xuất dầu mở lớn số 2 thế giới đã có thể định tuyến lại phần lớn, nhưng không phải tất cả, các chuyến hàng cung cấp đến châu Âu trước đây của mình chuyển sang các khách hàng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tác động của việc áp giá trần cũng tăng lên vì Nga cho biết họ đơn giản sẽ ngừng cung cấp hàng cho các nước thực hiện chế độ giá trần này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Nga có thể tìm cách để lách giá trần đối với một số lô hàng.
Mặt khác, dầu đã được giao dịch ở mức giá thấp hơn do sự lo ngại về viễn cảnh bùng phát đại dịch Covid-19 và những hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu tại một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và Châu Âu cũng làm tăng khả năng nhu cầu xăng dầu và các loại nhiên liệu khác làm từ dầu thô sẽ thấp hơn.
Những sự không chắc chắn nói trên là lý do mà liên minh OPEC+ hồi tháng 10 đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 11. Hiện mức cắt giảm này vẫn có hiệu lực. Các nhà phân tích nói rằng trên thực tế mức sản lượng dầu bị giảm đi trên thị trường chưa đạt con số đưa ra vì các thành viên OPEC + đã không thể đáp ứng hạn ngạch sản xuất đầy đủ của họ.
Một tuyên bố của OPEC+ được đưa ra ngày hôm qua (4/12) đã phản bác những chỉ trích nhằm vào quyết định hồi tháng 10 của liên minh dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu giảm gần đây. Tuyên bố của OPEC+ giải thích rằng việc cắt giảm đã được “những người tham gia thị trường công nhận và được đánh giá là hành động cần thiết, đúng đắn để ổn định giá dầu trên thị trường toàn cầu.”
Mỹ - nước đã thúc ép OPEC+ tăng sản lượng dầu để giảm chi phí xăng dầu cho các tài xế Mỹ, vào thời điểm đó đã miêu tả quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là "thiển cận" đồng thời cáo buộc liên minh này "liên kết với Nga".
Với việc nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, giá dầu đã giảm kể từ mức cao nhất trong mùa hè vừa rồi, với dầu Brent chuẩn quốc tế đóng cửa hôm thứ Sáu ở mức 85,42 USD/thùng, giảm từ 98 USD một tháng trước. Điều đó đã làm giảm giá xăng cho những người lái xe trên khắp thế giới.
Giá xăng trung bình đối với người lái xe Mỹ trong những ngày gần đây đã giảm xuống còn 3,41 USD/gallon, theo liên đoàn câu lạc bộ lái xe AAA cho biết.
Trong khi Mỹ, châu Âu và các đồng minh khác tìm cách trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, họ cũng muốn ngăn chặn việc đột ngột mất đi nguồn dầu thô của Nga trên thị trường có thể đẩy giá dầu và xăng tăng trở lại. Đó là lý do tại sao giá trần được G-7 đưa ra để cho phép các công ty vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia ngoài phương Tây ở mức giá trần họ đưa ra hoặc thấp hơn ngưỡng đó. Hầu hết đội tàu chở dầu trên toàn cầu được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm trong nhóm nước G-7 hoặc EU.
Các nhà phân tích cho rằng Nga có thể sẽ cố gắng trốn tránh mức giá trần bằng cách sắp xếp hoạt động bảo hiểm của riêng mình và sử dụng đội tàu chở dầu “bóng đêm” của thế giới, như Iran và Venezuela đã làm, nhưng điều đó sẽ tốn kém và cồng kềnh.
Mức giá trần 60 USD/1 thùng là gần với mức giá dầu hiện tại của Nga, có nghĩa là Moscow có thể tiếp tục bán trong khi từ chối mức giá này về mặt nguyên tắc. Nhu cầu về dầu cũng giảm vào mùa đông, một phần vì ít người lái xe hơn.
Ông Jacques Rousseau - Giám đốc điều hành tại Clearview Energy Partners cho biết: “Nếu Nga kết thúc bằng việc rút ra khỏi thị trường nhiều dầu hơn khoảng một triệu thùng mỗi ngày thì thế giới sẽ thiếu dầu và sẽ cần phải có sự bù đắp ở đâu đó, cho dù đó có phải từ OPEC hay không. Yếu tố then chốt là phải xác định được bao nhiêu dầu của Nga thực sự rời khỏi thị trường.”
Tuyên bố của OPEC+ ấn định cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/6 nhưng cho biết liên minh có thể họp bất cứ lúc nào để giải quyết các diễn biến của thị trường.