- Theo thông tin được đăng tải bởi một cơ quan chính phủ, Trung Quốc đang quyết liệt theo đuổi kế hoạch tìm kiếm vị trí thống trị các công nghệ tiên tiến trong tương lai bằng cách thành lập quỹ đầu tư nhà nước về bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay.
Với trị giá 47,5 tỷ USD, quỹ này được thành lập khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với việc xuất khẩu chip và công nghệ chip của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.
Với khoản đầu tư từ sáu ngân hàng nhà nước lớn nhất đất nước, bao gồm ICBC và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, quỹ này nhấn mạnh nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm củng cố vị thế siêu cường công nghệ của Trung Quốc.
Với lộ trình Made in China 2025, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), mạng không dây 5G và điện toán lượng tử.
Quỹ đầu tư mới nhất là giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp mạch Tích hợp Trung Quốc. Theo Hệ thống công khai thông tin tín dụng doanh nghiệp quốc gia, “Quỹ lớn” đã được chính thức thành lập tại Bắc Kinh vào cuối tuần trước.
Giai đoạn đầu tiên của quỹ được thành lập vào năm 2014 với 138,7 tỷ nhân dân tệ (19,2 tỷ USD). Giai đoạn thứ hai được thành lập 5 năm sau đó, với số vốn đăng ký là 204,1 tỷ nhân dân tệ (28,2 tỷ USD).
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết, khi triển khai giai đoạn đầu tiên vào năm 2014, các khoản đầu tư này nhằm mục đích đưa ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2030 và sẽ bơm tiền chủ yếu vào sản xuất chip, thiết kế, thiết bị và vật liệu.
Rào cản phía trước?
“Quỹ lớn” đã dính phải bê bối tham nhũng trong những năm gần đây. Vào năm 2022, cơ quan giám sát chống tham nhũng của nước này đã phát động một cuộc trấn áp ngành công nghiệp bán dẫn, điều tra một số nhân vật hàng đầu của Trung Quốc trong các công ty chip nhà nước. Lu Jun, cựu giám đốc điều hành của Sino IC Capital, công ty quản lý “Quỹ lớn”, đã bị điều tra và truy tố về tội hối lộ vào tháng 3, theo một tuyên bố của công tố viên hàng đầu của đất nước đưa ra.
Những vụ bê bối này không phải là rào cản duy nhất có thể làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc đạt được sự tự chủ về công nghệ.
Vào tháng 10 năm 2022, Mỹ công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, cấm các công ty Trung Quốc mua chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip mà không có giấy phép. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã thúc ép các đồng minh của mình, bao gồm Hà Lan và Nhật Bản, ban hành các hạn chế của riêng họ.
Bắc Kinh đã đáp trả vào năm ngoái bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai nguyên liệu thô chiến lược rất quan trọng đối với ngành sản xuất chip toàn cầu.
Quỹ chip mới không chỉ là động thái phòng thủ nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây mà còn là một phần trong tham vọng lâu nay của ông Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ.
Năm ngoái, Huawei của Trung Quốc đã gây sốc cho các chuyên gia trong ngành khi giới thiệu một chiếc điện thoại thông minh mới được trang bị bộ vi xử lý 7 nanomet do Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC) sản xuất.
Vào thời điểm ra mắt điện thoại Huawei, các nhà phân tích không thể hiểu làm thế nào công ty này có được công nghệ để tạo ra một con chip như vậy sau những nỗ lực sâu rộng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ nước ngoài.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào tháng 3, ông Tập Cận Bình nói rằng “không thế lực nào có thể ngăn cản sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc”.
Hà Lan là quê hương của ASML, nhà sản xuất duy nhất trên thế giới về máy in thạch bản cực tím cần thiết để chế tạo chất bán dẫn tiên tiến. Công ty cho biết vào tháng 1 rằng chính phủ Hà Lan đã cấm vận chuyển một số máy in thạch bản của họ sang Trung Quốc.