- Một trong những đơn vị quân sự hoặc tình báo đặc biệt của Ukraine "có khả năng" đứng sau loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 3/5 nhằm vào điện Kremlin ở thủ đô Moscow, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên hôm qua (24/5) cho biết.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá điều này một phần dựa trên thông tin liên lạc bị chặn của cả quan chức Nga và Ukraine, tờ New York Times đưa tin. Tuy nhiên, họ “không biết đơn vị nào thực hiện vụ tấn công” và một số quan chức tin rằng Tổng thống Vladimir Zelensky có thể không biết hoặc không liên quan. Mỹ được cho là chưa có "bằng chứng cụ thể" về việc các đặc vụ hoặc cơ quan nào có liên quan đến các vụ tấn công vào điện Kremlin - thành trì quyền lực của Nga.
Hai máy bay không người lái đã rơi xuống từ không phận trên Điện Kremlin vào đầu tháng này. Video từ camera giám sát cho thấy một quả bom phát nổ phía trên nóc tòa nhà có văn phòng của Tổng thống Putin. Tổng thống Vladimir Putin không có mặt ở đó tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công. Moscow cáo buộc Kiev âm mưu ám sát Nhà lãnh đạo của họ và và thề sẽ trả đũa. Tổng thống Ukraine Zelensky – người vừa rời thủ đô Kiev để lên đường thực hiện một chuyến công du đến các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) - đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận sự liên quan của Kiev đến các cuộc tấn công nhằm vào điện Kremlin.
Các hãng truyền thông lớn ở Mỹ và Anh nhanh chóng cáo buộc Moscow dàn dựng vụ “tấn công giả” để bôi xấu Ukraine.
Tuy nhiên, theo các điệp viên Mỹ đã nói chuyện với tờ New York Times, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin là một phần của chiến dịch hành động bí mật của Ukraine, từ vụ ám sát nhà báo Darya Dugina vào tháng 8 năm 2021 và vụ giết blogger Vladlen Tatarsky vào tháng 4, cho đến vụ tấn công Khu vực Belgorod hôm thứ Hai đầu tuần (22/5). Tờ New York Times trước đây từng đưa tin về các đánh giá của tình báo Mỹ về vụ sát hại nhà báo Dugina cũng như vụ đánh bom cầu Crimea bằng xe tải, theo cách tương tự.
Tờ New York Times cũng đã miêu tả vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) vào tháng 9 năm 2022 là hành động của “các đặc vụ thân Ukraine mà mối quan hệ với chính phủ Ukraine vẫn chưa được xác định”, sau khi nhà báo Seymour Hersh tuyên bố chính phủ Mỹ đứng sau vụ này.
Theo New York Times, các điệp viên Mỹ tin rằng có thể có “một liên minh lỏng lẻo gồm các đơn vị Ukraine” đang hoạt động bên trong lãnh thổ Nga, có thể “với rất ít, nếu có, sự giám sát” từ Tổng thống Zelensky. Họ cho rằng Tổng thống Ukraine thậm chí có thể không biết về một số hoạt động bí mật này, vì đã “thiết lập các thông số chung” cho chiến dịch và để lại các chi tiết cho các cơ quan an ninh, vì vậy ông có thể phủ nhận mọi thứ sau này.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine (GUR) - Tướng Kirill Budanov thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng Kiev đứng sau vụ sát hại “nhiều người, bao gồm cả các nhân vật của công chúng và giới truyền thông,” ở Nga mà không nêu tên. Ông này cũng cho biết chiến dịch ám sát sẽ tiếp tục. Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky cũng thường xuyên đưa ra những lời đe dọa nhằm vào lãnh thổ Nga, ăn mừng các vụ việc khi chúng xảy ra, sau đó lại tuyên bố họ không biết gì về vụ việc và vô tội.
Kiev đều đổ lỗi cho một “mạng lưới mờ ám của các nhóm đảng phái Nga” trong mọi vụ việc, bao gồm cả cuộc tấn công xảy ra hôm thứ Hai (22/5) vào Vùng Belgorod khiến một dân thường thiệt mạng và 12 người bị thương. Tuy nhiên, tờ New York Times lưu ý rằng các điệp viên Mỹ đã không tìm thấy "bằng chứng" nào cho thấy các nhóm này chịu trách nhiệm về vụ tấn công, trong khi một số quan chức thậm chí còn nghi ngờ về sự tồn tại của những nhóm mà Kiev chỉ ra.
The New York Times cho rằng các cuộc tấn công kiểu như trên của Kiev đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden “chán nản”. Ông chủ Nhà Trắng không muốn xung đột leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga. Các quan chức giấu tên của Mỹ đã nhanh chóng tiết lộ cho tờ Politico rằng Washington đã không được thông báo trước về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, Tổng thống Biden tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, ngay cả khi Washington phải đối mặt với khả năng vỡ nợ quốc gia.