- Mỹ và các đồng minh NATO phải cảnh giác trước những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một sự leo thang "có kiểm soát" trong cuộc chiến ở Ukraine, nhà ngoại giao cấp cao thứ hai của Mỹ mới đây đã lên tiếng cảnh báo như vậy.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman |
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đưa ra cảnh báo nói trên trong phiên khai mạc hội nghị kiểm soát vũ khí thường niên của NATO lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Mỹ kể từ khi nó ra đời vào năm 2004.
Thứ trưởng Sherman nói: “Tất cả chúng tôi đã theo dõi và lo lắng rằng ông Vladimir Putin sẽ sử dụng thứ mà ông ấy coi là vũ khí hạt nhân chiến thuật phi chiến lược hoặc sử dụng một số hiệu ứng trình diễn để làm leo thang tình hình, nhưng trong một bối cảnh leo thang đã được kiểm soát về mức độ rủi ro. Điều rất quan trọng là chúng ta phải luôn cảnh giác với điều này."
Thông báo được đưa ra ngày 25/3 của Tổng thống Putin về việc Nga đang chuẩn bị triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus "là nỗ lực của ông này nhằm sử dụng mối đe dọa hạt nhân một cách có kiểm soát", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cáo buộc.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để giúp giành lợi thế trên chiến trường hoặc để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự hạn chế.
Tổng thống Putin trước đó nhiều lần phủ nhận có bất kỳ ý định sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở chiến trường Ukraine.
Belarus, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine và các thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia, được cho là đã giúp Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - người đã cùng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman khai mạc hội nghị, đã miêu tả kế hoạch của Tổng thống Putin trong việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là sự “nguy hiểm và vô trách nhiệm".
Liên minh NATO đang "giám sát rất chặt chẽ những gì họ (Nga) đang làm", ông Stoltenberg cho hay.