- Các dịch vụ xe lửa, trường học, chuyến bay và nhiều doanh nghiệp ở Pháp đã bị gián đoạn vào ngày hôm qua (19/1) khi các liên đoàn lao động tổ chức một loạt cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 của Tổng thống Emmanuel Macron - một động thái bị công chúng Pháp phản đối gay gắt.
Các cuộc tuần hành lớn nhất diễn ra ở thủ đô Paris, nơi tổ chức công đoàn CGT ước tính rằng 400.000 người đã xuống đường. Liên minh này tuyên bố rằng hai triệu người biểu tình đã tuần hành trên toàn quốc, mặc dù Bộ Nội vụ Pháp đưa ra con số 1,2 triệu người biểu tình trên toàn quốc và 80.000 người biểu tình ở Paris.
Giữa những cuộc biểu tình, các sĩ quan cảnh sát đã đụng độ với lực lượng vô chính phủ mặc áo đen - những người thường xuyên xuất hiện tại các cuộc biểu tình ở Pháp để đối đầu với cảnh sát. Đoạn video cho thấy các sĩ quan mặc áo giáp sử dụng hơi cay và dùi cui nhằm vào lực lượng mặc đồ đen và những người biểu tình khác ở gần đó.
Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức tại các thành phố Nantes, Lyon, Bordeaux, Marseille và Toulouse, cũng như tại hơn 200 địa điểm khác trên cả nước. Tám tổ chức công đoàn lớn nhất của Pháp đã tham gia. Điều này có nghĩa là các trường học, đường sắt, sân bay, nhà máy điện và các tiện ích quan trọng khác đang hoạt động với công suất giảm mạnh vào ngày hôm qua.
Công ty điều hành đường sắt SNCF cho biết chỉ có một trong năm tuyến tàu TGV tốc độ cao đang chạy, trong khi Eurostar cho biết một số tuyến đường sắt kết nối với Vương quốc Anh đã bị hủy bỏ. CNN dẫn lời Bộ Giáo dục Pháp đưa tin hơn 40% giáo viên tiểu học không đi làm.
Chính phủ của Tổng thống Macron đang thúc giục quốc hội thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của hầu hết người lao động Pháp từ 62 lên 64, kết quả là những người lao động này vẫn nhận được lương hưu sớm hơn ba năm so với hầu hết những người đồng cấp ở châu Âu.
Trong khi chính phủ khẳng định rằng cải cách này là cần thiết để ngăn chặn hệ thống lương hưu của đất nước rơi vào tình trạng thâm hụt, các công đoàn lập luận rằng thay vào đó, hệ thống này nên được hỗ trợ bằng cách tăng thuế đối với những người giàu có hơn là vắt kiệt năng suất của những người lao động già.
Lãnh đạo CGT Philippe Martinez hôm qua đã nói với France24 rằng: “Thật hiếm khi tất cả các công đoàn Pháp đồng ý về một điều gì đó, vì vậy thực tế này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề”.
Tổng thống Macron - người đã cố gắng và thất bại trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vào năm 2019, nói với các phóng viên rằng cuộc cải cách là “công bằng và có trách nhiệm”. Công chúng, tuy nhiên, không đồng ý với lập trường của Nhà lãnh đạo Pháp. Một cuộc thăm dò được thực hiện vào tuần trước cho thấy 68% người dân Pháp “phản đối cải cách lương hưu này”, mặc dù chỉ có 51% ủng hộ chiến dịch biểu tình và đình công của công đoàn.