- Tại những trường vùng cao có học sinh dân tộc học tập, Tết là một dịp đặc biệt với nhiều hoạt động đa dạng sắc màu văn hóa. Hòa cùng điệu xuân mới và muôn sắc thiên nhiên, các trường học vùng cao cũng lồng ghép chương trình vui Tết cho học sinh với nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp phong phú và văn minh trong nếp sống ngày Tết cổ truyền của người Việt, nhiều trường học vùng cao đã tổ chức các hoạt động tái hiện không gian đón Tết nhằm hướng cho học sinh hiểu và trân trọng một nét văn hóa đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bắt đầu từ dịp Tết Dương lịch, Trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Ngày Tết quê em” cho học sinh của 7 điểm trường. Ngày Tết đầu tiên được tổ chức tại điểm bản Minh Tiến cho 214 em người Thái, Khơ Mú cùng sự góp mặt của phụ huynh, bà con trong bản.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh, cho hay, hoạt động trải nghiệm “Ngày Tết quê em” gồm 5 phần: Tổ chức quyên góp gây quỹ để trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thi gói bánh chưng, bánh tét; trang trí cành đào, mâm ngũ quả; tổ chức trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và cuối cùng liên hoan tất niên.
Để chuẩn bị cho chương trình, nhà trường trích kinh phí và huy động xã hội hóa từ phụ huynh, chung tay góp gạo nếp, củi, lá dong… và cùng tham dự ngày Tết với con em mình. Chung vui với thầy trò, bà con dân bản còn mang đến cồng chiêng và các vật dụng phục vụ trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, nhảy sạp… Cả sân trường rộn ràng, vui vầy không khí Tết.
Lương Thánh Nông, năm nay học lớp 5 và là một trong số những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường ưu tiên đưa về ở và học bán trú tại điểm bản Minh Tiến. Nhà của Nông ở bản Chăm Puông, cách trường gần 10km. Nông chưa từng có một gia đình trọn vẹn đúng nghĩa khi bố mất sớm, mẹ cũng bỏ đi không rõ tung tích cho đến nay. Nông cùng chị gái ở với ông bà rồi sang nhà chú. Mấy năm nay, chị gái đã học lên cấp 2 tại Trường Phổ thông DTBT THCS Lượng Minh, nên chỉ còn lại Nông ở lại bản với gia đình chú, đời sống kinh tế còn vất vả, khó khăn.
Được vận động đến trường ở bán trú, Lương Thánh Nông đã hòa nhập nhanh và tự lập hẳn so với các bạn. Sau thời gian đầu còn chút bỡ ngỡ rụt rè, giờ đây, cậu học trò Thái đã mạnh dạn, tự tin, yêu thích đến trường vì có thêm nhiều bạn bè, được thầy cô chăm lo. Năm nay cũng là lần đầu tiên Nông đón Tết ở trường. “Em chơi cùng các bạn, xem trang trí cành đào, luộc bánh chưng. Thầy cô dặn chờ bánh chín sẽ đưa ra ăn tất niên luôn với các bạn”, Nông thích thú nói. Niềm vui trẻ thơ đã trở lại với Lương Thánh Nông ở mái trường – ngôi nhà thứ hai đầy ấm áp, sum vầy.
Học sinh chơi ném còn – trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Zing |
Theo thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên nhà trường đưa học sinh lớp từ các bản về Minh Tiến tổ chức bán trú. Tổng số học sinh bán trú là 141 em. Bao gồm học sinh lớp 3 các bản lẻ Cà Mong, Xốp Cháo, Đửa, Côi… tập trung tại một điểm để học tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, còn có 15 em lớp 4 - 5 hoàn cảnh khó khăn của bản Chăm Puông cũng được đưa về bán trú, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập, tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Học sinh bán trú sẽ ở tại trường ăn ở, sinh hoạt, học tập từ thứ 2 - 6. Vì vậy dù không phải nơi đặt trường chính, nhưng điểm bản Minh Tiến có đông học sinh nhất trường với nhiều thành phần dân tộc. Các chương trình, hoạt động trải nghiệm của nhà trường nhằm tăng cường kỹ năng, hiểu biết cho học sinh nhưng cũng luôn chú ý đến đặc trưng, truyền thống và tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc.
Còn tại trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An), những ngày cuối năm chộn rộn chuẩn bị kế hoạch tổ chức chương trình vui Tết cho học trò. Đây là ngôi trường thuộc huyện miền xuôi của tỉnh, nhưng lại chiếm tới hơn 70% học sinh người dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Ơ Đu… Vì thế, ngày Tết của thầy trò trở nên đặc biệt hơn với nhiều hoạt động mang màu sắc văn hóa đa dạng.
Một trong những vấn đề mà nhà trường tâm huyết, triển khai từ năm 2021 và tiếp tục duy trì đến nay là “giữ gìn bản sắc dân tộc cho học sinh vùng tái định cư”. Chương trình được chia thành 3 nhóm hoạt động: Thi kiến thức hiểu biết văn hóa truyền thống; bài hát, điệu múa, nhạc cụ đặc trưng của mỗi dân tộc như sáo, kèn, khắc luống, hát lăm…; ẩm thực dân tộc và trò chơi dân gian.
Thầy Trần Văn Lưu, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Chúng tôi đã mời nhà giáo, chuyên gia văn hóa, các nghệ nhân dân gian và già làng uy tín trong xã đến tham gia với vai trò chủ trì mỗi hoạt động. Qua đó đem đến ngày hội đa sắc màu và đúng với giá trị, bản sắc dân tộc của học sinh. Thầy, cô giáo, nhà trường chỉ đóng vai trò tổ chức, không thể nào am hiểu sâu sắc văn hóa như họ được…”.
Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) được thành lập cách đây gần 15 năm, cũng bằng với số năm mà bà con các bản Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương (cũ) của huyện Tương Dương rời quê hương, xuôi hơn 150km về đây tái định. Họ nhường lại nhà cửa, đất đai, bản làng cùng ký ức và dấu vết đời sống văn hóa của bao nhiêu đời chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Từ năm 2006, những hộ dân bắt đầu về Thanh Sơn và đến năm 2008 thì cơ bản bà con người Thái, Khơ Mú, Ơ Đu… ổn định chỗ ở. Người lớn làm quen với cuộc sống tái định cư, trẻ con đến trường mới. Nhiều thầy, cô giáo từ Tương Dương cũng được chuyển về Thanh Chương để tiếp tục phụ trách dạy học, tránh thay đổi đột ngột cho học sinh.
Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân tộc của Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An sôi nổi tổng duyệt cho chương trình giao lưu “Sắc xuân nội trú” và đón Tết Quý Mão 2023. “Trong đó, tiết mục quen thuộc nhưng được học sinh hào hứng tham gia là điệu xòe mang tên Vũ điệu kết đoàn. Tiết mục không chỉ có học sinh người Thái tham gia, mà là bức tranh đa sắc màu của học sinh các dân tộc đang học tập tại trường…”, em Hà Anh, thành viên CLB, cho biết.
Thành lập mới gần 2 năm, nhưng CLB nghệ thuật dân tộc đã quy tụ hơn 100 bạn tham gia tích cực, chủ động, đóng góp trong nhiều hoạt động của nhà trường. Thành viên CLB không chỉ gồm những học sinh có năng khiếu văn nghệ, mà còn nhiệt tình, mạnh dạn, muốn lan tỏa bản sắc dân tộc mình. Tùy vào sở trường, thế mạnh của mỗi thành viên, CLB sẽ phân chia các bạn về 5 ban hoạt động ở các nội dung từ đàn - hát, nhảy - múa, kịch – MC và truyền thông.
Trò chơi dân gian nhảy sạp không thể thiếu trong chương trình Tết tại nhiều trường học. |
Anh Trần Đức Huy, Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Trường THPT DTNT tỉnh là nơi quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc nhất trên địa bàn như Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh... Đây cũng là lợi thế cho hoạt động nghệ thuật của nhà trường với sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Các hoạt động của CLB cũng được tổ chức theo định hướng huy động đông đảo học sinh tham gia. Từ đó cùng hiểu hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Hình thành ý thức bảo vệ, phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa quê hương…”.
Chương trình nghệ thuật chào xuân 2023 diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên gói và nấu bánh chưng, ăn cơm tất niên. Ngày thứ 2 sẽ dành cho hoạt động giao lưu thi đấu thể thao và chương trình nghệ thuật với các tiết mục mang đặc trưng các dân tộc cũng như màn múa, hát, nhảy sôi động của học trò.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, cho hay, đối với học sinh nội trú, phần lớn thời gian là ở trường, ngôi nhà thứ 2 nuôi dưỡng, chăm sóc các em trưởng thành. Đã thành thông lệ, trước khi về nghỉ Tết với gia đình nhỏ ở bản làng, nhà trường tổ chức chương trình tất niên ở ngôi nhà chung, gia đình lớn cho toàn bộ học sinh.
Trong chương trình, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm trao học bổng, quà Tết cho học sinh khó khăn. “Chương trình Tết cũng là dịp để cô trò cùng nhìn lại một năm học tập, rèn luyện, gắn bó hơn từng ngày với thầy cô, bạn bè. Chúng tôi muốn tạo kỷ niệm đẹp trong quãng đời học sinh của các em ở ngôi trường đặc biệt, nơi quy tụ nhiều thành phần dân tộc nhưng luôn yêu thương, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau…”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là mái nhà chung của 1.058 học sinh, trong đó 99% các em là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Xinh Mun. Đã thành thông lệ, hàng năm trước khi học sinh về nghỉ tết, nhà trường lại tổ chức các hoạt động thi gói bánh chưng, văn nghệ và chơi các trò chơi dân gian, với sự tham gia của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh, bà con dân bản cùng đến chung vui. Đây là một hoạt động trải nghiệm thiết thực, ý nghĩa, giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền, cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Học sinh vùng cao Mai Sơn tham gia gói bánh chưng đón tết sớm. Ảnh: Báo Sơn La |
Từ sáng sớm, ở khu bếp ăn bán trú của nhà trường đã rất nhộn nhịp. Trong khi các thầy giáo cùng một số phụ huynh khẩn trương mổ lợn thì các cô giáo và học trò chuẩn bị lá dong, vo gạo, đãi đỗ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, các khối lớp chia thành 4 đội tham gia phần thi. Vừa hoàn thành gói chiếc bánh chưng vuông vức, em Lò Thị Liền, học sinh lớp 8C phấn khởi: Năm nào nhà trường cũng tổ chức cho chúng em được đón tết sớm. Các thầy, cô đã cho chúng em trải nghiệm thú vị và kỹ năng sống trong hoạt động tập thể. Sau thời gian về bản đón tết với gia đình, chúng em trở lại trường để tiếp tục học tập và gặp các thầy cô, bạn bè.
Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, hàng đào phai trong khuôn viên trường học khoe sắc tô điểm thêm không gian xuân. Không khí tại sân trường lúc này khá náo nhiệt, bởi thầy và trò nhà trường chuẩn bị cho phần hội chương trình. Phần hội đón xuân không thể thiếu các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, như kéo co, đẩy gậy, múa sạp.
Học sinh với những bộ trang phục dân tộc nhiều màu sắc biểu diễn các bài hát, múa khèn, múa sạp, các em còn biểu diễn những điệu nhảy hiện đại, với những động tác khỏe khoắn, những màn phối hợp đồng điệu, ăn ý của cả tập thể. Trên gương mặt của mỗi học sinh, nụ cười luôn hiện hữu, ánh mắt lấp lánh niềm vui, tiếng cổ vũ, reo hò và những tiếng cười trong trẻo tạo không khí xuân đầm ấm, vui tươi.
Cô giáo Kim Thị Lập, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhà trường mong muốn, qua các hoạt động này góp phần giáo dục kỹ năng sống, chia sẻ yêu thương, gắn kết tình cảm giữa thầy và trò, tình cảm bạn bè, để các em thêm yêu trường, yêu lớp. Bên cạnh tổ chức cho các em vui tết, đón xuân sớm, các giáo viên, nhân viên trong trường đã trích một phần lương, dành các phần quà tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích tốt trong học tập, giúp các em cùng gia đình đón Tết Nguyên đán đầy đủ hơn.
Bữa cơm tết sớm của thầy và trò học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Phiêng Pằn giản dị mà ấm áp, trở thành những kỷ niệm đẹp của học trò vùng cao. Dẫu còn nhiều khó khăn, gian nan trên hành trình gieo chữ, nhưng tin rằng, với tình yêu thương, sự nhiệt huyết yêu nghề, các thầy cô giáo tiếp tục kiên trì bám trường, bám lớp, tiếp thêm động lực cho các em học sinh có một tương lai tươi sáng.
Qua hoạt động văn hóa vùng miền, dân tộc dịp sát Tết, học sinh được vui chơi, trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống và giáo dục truyền thống văn hóa. Đây cũng là dịp để tăng sự tương tác, phối hợp giữa nhà trường, địa phương thôn bản, phụ huynh cùng mục tiêu quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh...
Còn tại điểm trường Mầm non bản Đầu Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) những ngày cận tết Nguyên đán luôn vui tươi rộn rã vì có các thầy cô giáo không về quê ăn Tết mà tình nguyện ở lại với các em học sinh.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo ở vùng cao Mường Tè (Lai Châu) luôn cần mẫn vì con em đồng bào địa phương. Ảnh: VOV |
Cô giáo Phan Thị Dung, quê ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã có 15 năm công công tác, trải qua hai ngôi trường vùng khó cũng là từng ấy năm cô Dung gắn bó với học sinh dân tộc Cống, La Hủ tại địa phương.
Cô Dung tâm sự, ngày mới lên nhận công tác, cô được phân giảng dạy ở Trường Mầm non Nậm Khao ở bên kia bờ sông Đà. Khó khăn về địa hình, thời tiết và bất đồng ngôn ngữ với học sinh dân tộc địa phương chưa bao giờ là trở ngại ngăn cô gắn bó với vùng đất này. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đã đổ xuống trong những lần băng sông, vượt núi để “gieo mầm xanh” nơi đây. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ có ý định từ bỏ nơi này hay đi tìm công việc khác đỡ vất vả hơn, điều mà cô "ái ngại" nhất là hơn 14 năm nay, vợ chồng cô xa con ở quê.
Cô giáo Phạm Thị Lý, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã có gần 25 năm gắn bó, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp "trồng người" ở huyện biên giới Mường Tè, Lai Châu. Chừng ấy năm công tác, không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, nhất là khi bệnh tật cướp đi đứa con trai duy nhất và người chồng thân yêu, bỏ lại cô đơn côi, gối chiếc.
“Từ năm 1998 đến nay, tôi về quê ăn tết được 3 lần, còn hầu như ăn tết ở đây. Không phải khó khăn lắm, nhưng vì sức khỏe nên không phải năm nào tôi cũng về quê ăn tết được. Cũng buồn, bố mẹ thì già, tết mong con cái về để xum vầy, nhưng vì sức khỏe, mình cũng còn công việc nữa nên đành chấp nhận”, cô giáo Phạm Thị Lý cho hay.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo địa phương cùng bà con dân bản rất quan tâm, chia sẻ để các thầy cô miền xuôi vui Tết đón xuân ở vùng cao thật ý nghĩa...