Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang “gõ cửa” từng hộ gia đình ở Đức khi tình trạng thiếu khí đốt và giá cả tăng cao. Nhiều hộ gia đình đã chuyển qua dùng bếp sưởi đốt củi để tiết kiệm chi phí.
Xu hướng trên đang khiến cơ quan môi trường Đức lo ngại do ảnh hưởng của nó tới chất lượng không khí.
Than củi. Ảnh minh họa: Amazingribs. |
Sau hơn 30 năm sống trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Munich (nước Đức), ông bà Moller đã nghỉ hưu quyết định lắp đặt một bếp sưởi đốt củi do lo ngại tình trạng thiếu gas và giá gas tăng cao. Trước cuộc khủng hoảng năng lượng, gia đình ông bà Möller chỉ phải chi khoảng 800 euro một năm cho khí đốt. Năm nay, mặc dù có hệ thống sưởi hoàn toàn mới, nhưng mức tiêu thụ của họ ước tính lên tới gần 2.300 euro, gần gấp 3 lần chi phí trước đó.
Vốn chỉ trông vào nguồn thu nhập chính là lương hưu, ông Gerd Möller cho biết gia đình ông phải cắt giảm tiêu dùng bằng việc tự lắp đặt lò sưởi đốt củi: “Chúng tôi đã giảm nhiệt độ sưởi ấm từ lò đun củi khô xuống 19 độ, bình nước nóng cũng đã để mức tối đa là 45 độ C. Chỉ vậy thôi cũng đã giúp chúng tôi tiết kiệm được kha khá. Hệ thống sưởi vào buổi tối thậm chí cũng được gia đình tắt bỏ hoàn toàn”.
Mặc dù củi rẻ hơn so với khí đốt hoặc điện, nhưng tại Đức, giá của nó vẫn tăng gấp đôi. Từ ngày rời xa nguồn khí đốt đắt đỏ, mỗi năm, ông bà Möllers có thể tiết kiệm khoảng 1.000 euro cho việc sưởi ấm.
Ông bà Möllers chỉ là một trong số 11 triệu hộ gia đình sở hữu lò đốt củi ở Đức nhằm tiết kiệm tiền khí đốt sưởi ấm vào mùa đông. Tuy nhiên, xu hướng này cũng bị các tổ chức môi trường chỉ trích. Cơ quan Môi trường Liên bang Đức cảnh báo rằng lượng khí thải CO₂ khi đốt gỗ thậm chí còn cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch như than đá hoặc khí đốt…Chính vì vậy, cơ quan này yêu cầu người dân Đức nên chọn những cách tiết kiệm tiêu dùng vì môi trường hơn. Hưởng ứng xu hướng “tiết kiệm xanh” này, nhiều người dân Đức chọn cách đặt tour tới một nơi ấm áp để “trốn” cái lạnh của mùa đông châu Âu.
Silke Mothes, một người dân ở thành phố Munich chia sẻ: "Chúng tôi đã quyết định bay đến Thái Lan trong ba tuần vào mùa đông này và do đó căn hộ sẽ không có hệ thống sưởi. Ba tuần sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm tiền bằng cách ở lại Thái Lan."
Nhiều người dân cũng bày tỏ: việc chuyển sang lò sưởi đốt củi dù tiết kiệm được chi phí nhưng lại gây thêm gánh nặng phát thải cho môi trường và đó không thể là giải pháp lâu dài khi khủng hoảng năng lượng vẫn còn tiếp diễn./.
(VOV1)
https://vov.vn/the-gioi/co-quan-moi-truong-duc-lo-ngai-ve-trao-luu-suoi-am-bang-than-cui-post998371.vov