Thủ tướng chủ trì hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế

0
0

 - Chiều tối ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng và lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương và 94 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia kinh tế hàng đầu cùng đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn lớn của Việt Nam.

 

Đây là Hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì về công tác ngoại giao kinh tế có sự tham dự đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và tất cả các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, thể hiện sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Hội nghị cũng được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2030, trong đó xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hội nghị đã tập trung trao đổi, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Trên cơ sở báo cáo tổng quan của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương và các bộ, ngành nhất trí, trong thời gian qua công tác ngoại giao kinh tế đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngoại giao kinh tế đã trở thành một trong những nội dung quan trọng nhất trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Đặc biệt, ngoại giao vaccine đã được triển khai hết sức thành công, đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi Chiến lược vaccine và kiểm soát dịch bệnh.

Tuy vậy, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác ngoại giao kinh tế, nhất là phải có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén. Các Đại sứ đã chia sẻ những đánh giá sâu sắc về triển vọng kinh tế, điều chỉnh chính sách của các nước, cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam; từ đó đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Nổi bật là: thúc đẩy đàm phán, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về kinh tế với các đối tác, thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia, phát triển thương mại bền vững với các đối tác lớn, hợp tác về lao động, y tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng chiến lược tổng thể về quảng bá Việt Nam ở nước ngoài... Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ kết nối, mở rộng hợp tác, đồng thời đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tiếp tục phát huy vai trò là ra-đa ở nước ngoài, thường xuyên cung cấp thông tin, dự báo, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, từ đầu năm 2022, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp hơn dự báo. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng của Nhân dân và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, công tác Ngoại giao kinh tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, bám sát mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước và những trọng tâm điều hành của Chính phủ. Đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành Ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, đảm bảo 5 nguyên tắc: giữ vững sự ổn định trong sự bất định; giữ vững thế chủ động trong sự bị động; giữ được kiên định và nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong tình hình có suy thoái và khủng hoảng; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập sâu rộng.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng, có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát huy các thị trường đối tác FTA và mở rộng thị trường sang các đối tác tiềm năng. Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục…; tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, sớm xây dựng và trình ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

 

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Xử lý doanh nghiệp xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử

(VnMedia) - Tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Bộ chuyển rét, đêm nay Hà Nội 16 độ

(VnMedia) - Hôm nay 19/3, Bắc bộ có dạng thời tiết trời nhiều mây, ngày có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trời chuyển rét.

Lý do Internet VNPT được nhiều người lựa chọn

(VnMedia) - Trong số các nhà cung cấp dịch vụ Internet, VNPT đã thu hút sự quan tâm và lựa chọn của nhiều người dùng. Dưới đây là những lý do dịch vụ Internet của VNPT được nhiều người ưa chuộng?

HLV Troussier công bố danh sách tuyển Việt Nam đấu Indonesia

(VnMedia) - Tối ngày 18/3, HLV Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam hướng tới 2 trận đấu gặp Indonesia thuộc lượt trận 3 và 4, trong khuôn khổ bảng F, vòng loại thứ 2 World Cup 2026, khu vực châu Á. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Công Phượng và Duy Mạnh ở loạt trận đấu sắp tới.

Bộ Công Thương cảnh báo một số mặt hàng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

(VnMedia) - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.