- Phương Tây đã phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt nhất vào những giờ cuối cùng trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa diễn ra khi Syria và Triều Tiên lần lượt lên tiếng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng áp đặt ý chí của họ lên toàn bộ thế giới.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Syria kêu gọi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu rút khỏi đất nước của mình. Trong khi đó, một đại sứ Triều Tiên cho biết đất nước của ông sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Liên Hợp Quốc về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Cả Syria và Triều Tiên đều lên án các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia của họ.
Thông điệp của Syria và Triều Tiên không hoàn toàn mới nhưng chúng có thêm sức nặng nhờ cơ hội chỉ có một lần trong năm được đứng lên phát biểu trước lãnh đạo của nhiều quốc gia, trong đó có các đối thủ của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần trước. Trong bài phát biểu này, ông Biden không đề cập trực tiếp đến Syria nhưng phàn nàn ngắn gọn rằng Triều Tiên “tiếp tục vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc” về các hoạt động hạt nhân của họ.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc - ông Kim Song đã phản pháo lại rằng, Tổng thống Biden “đã đối xử bất công với chúng tôi”. Đại sứ Kim thẳng thừng bác bỏ những phát biểu của ông chủ Nhà Trắng. “Nói thẳng thắn ra là chúng tôi chưa bao giờ công nhận các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm gây áp lực lên chúng tôi” bởi vì Triều Tiên coi những nghị quyết đó là các mục tiêu của Mỹ được quốc tế thông qua, ông Kim chỉ trích. Đại sứ Kim nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng sẽ không thừa nhận các nghị quyết đó trong tương lai”.
Theo vị quan chức Triều Tiên, các mối quan hệ có khả năng "hướng tới một giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều" - có thể là tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II - vì "sự hống hách, độc đoán và tùy tiện của một số quốc gia". Những quốc gia đó đang tìm cách dùng “các giá trị phương Tây” để lấn át hệ thống quốc tế.
Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cũng lên án các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cùng với một số quốc gia khác và Liên minh châu Âu đã áp đặt lên chính phủ, ngành công nghiệp dầu mỏ và hơn thế nữa của Syria. Ông Mekdad cho biết đất nước của ông đã bị "bao vây kinh tế" bởi các cường quốc đang quyết tâm làm theo ý mình bất chấp sự phản đối và tìm cách giữ lại sự giàu có của họ.
Vị quan chức Syria cho rằng: “Cuộc chiến chống lại Syria cuối cùng là một nỗ lực của phương Tây nhằm duy trì quyền kiểm soát thế giới”.
Cuộc nội chiến ở Syria được châm ngòi vào năm 2011 với các cuộc biểu tình chống chính phủ, yêu cầu chính phủ của Tổng thống Bashar Assad phải thực hiện cải cách dân chủ. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng leo thang thành bạo lực, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Trong bối cảnh hỗn loạn, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chiếm các phần lãnh thổ quan trọng của Syria. Vào năm 2019, tổ khủng bố IS đã bị đánh bại, đánh mất các phần đất mà chúng từng chiếm được, nhưng tàn dư của chúng vẫn hoạt động.
Trước sự thất vọng của Syria, hàng trăm binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại phía đông của đất nước để giúp Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo chiến đấu chống lại các tay súng. Ngoại trưởng Syria Mekdad cho rằng, sự hiện diện của liên minh do Mỹ dẫn đầu trên lãnh thổ của đất nước họ đi ngược lại với luật pháp quốc tế và “nên chấm dứt ngay lập tức mà không cần bất kỳ điều kiện gì”.
“Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố không diễn ra thông qua một liên minh quốc tế bất hợp pháp đang vi phạm chủ quyền của Syria và đang phá hủy các thị trấn, làng mạc của chúng tôi”, ông Mekdad cho biết đồng thời nói thêm rằng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố không thể hiệu quả nếu không có “sự phối hợp” với chính phủ của Tổng thống Assad.
Theo Ngoại trưởng Mekdad, Syria cũng muốn được bồi thường 107 tỷ USD cho những tổn thất “trực tiếp và gián tiếp” trong lĩnh vực dầu khí của nước này trong thời kỳ chiến tranh. Lực lượng Mỹ và SDF hiện đang kiểm soát phần lớn các mỏ dầu ở miền đông Syria.
Mỹ chưa phản ứng gì trước những lời chỉ trích gay gắt từ Ngoại trưởng Mekdad và Đại sứ Kim.