- Một phái đoàn Quốc hội Mỹ hôm qua (14/8) đã hạ cánh xuống Đài Loan trong chuyến thăm kéo dài hai ngày. Chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Mỹ diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan, gây ra “một trận sóng to gió lớn” ở Eo biển Đài Loan với những hoạt động đáp trả quân sự dồn dập và ồn ào của phía Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung vì đó cũng đã leo thang căng thẳng.
Chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Mỹ đến Taipei đã được thông báo bởi Viện Mỹ ở Đài Loan - một cơ sở được xem như là Đại sứ quán Mỹ tại hòn đảo tự trị Đài Loan. Theo Viện Mỹ ở Đài Loan, Thượng nghị sĩ của bang Ed Markey – một người của Đảng Dân chủ, dẫn đầu phái đoàn này. Phái đoàn còn bao gồm các nghị sĩ John Garamendi (California), Alan Lowenthal (California), Don Beyer (Virgina), Aumua Amata Coleman Radewagen (Samoa).
Phái đoàn của Mỹ sẽ “có cuộc gặp với giới chức lãnh đạo Đài Loan để thảo luận về mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, các vấn đề an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, các chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu và một loạt vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm”, Viện Mỹ tại Đài Loan cho hay.
Động thái mới nhất trên của phía Mỹ được cho là sẽ tiếp tục đẩy căng thẳng với Trung Quốc leo cao trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ vốn đang rất “nóng” sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Taipei cách đây hơn một tuần. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Vùng lãnh thổ Đài Loan kể từ năm 1997. Bà Pelosi là lãnh đạo cấp cao thứ ba trong chính phủ Mỹ. Nếu có điều gì đó xảy ra với Tổng thống Joe Biden, khiến ông không thể hoàn thành nhiệm vụ tổng thống thì bà Pelosi sẽ là người thứ hai trong danh sách kế nhiệm ông Biden, sau Phó Tổng thống Kamala Harris. Một chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đến Đài Loan có tính biểu tượng lớn, giống như một sự “phê chuẩn cấp cao” một cách khác thường của Mỹ đối với chính quyền Đài Loan. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại phản ứng một cách mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi.
Trung Quốc đã đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi bằng một loạt cuộc tập trận quân sự rầm rộ chưa từng có ở Eo biển Đài Loan và cắt đứt một số quan hệ thương mại với Đài Loan. Bắc Kinh còn trừng phạt gia đình bà Pelosi và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ trong một số vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và các lĩnh vực quân sự khác.
Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Bắc Kinh luôn phản đối gay gắt và quyết liệt việc bất kỳ nước nào tăng cường quan hệ với Đài Loan và đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bởi Bắc Kinh tin rằng điều đó vi phạm chính sách Một Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung liên tục căng thẳng vì vấn đề Đài Loan. Trung Quốc đặc biệt khó chịu với mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Quan hệ quân sự Mỹ-Trung nhiều lần lên xuống thất thường và nhiều lần bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Bắc Kinh liên tục kêu gọi Washington cắt đứt quan hệ quân sự với Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan và tăng cường các mối quan hệ khác với Đài Loan.
Trung Quốc và vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này. Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.