- Một quan chức hàng đầu tại Ngân hàng Trung ương Nga mới đây đã lên tiếng giải thích rằng sự suy yếu mới nhất của đồng rúp không gây ra mối đe dọa nào đối với sự ổn định tài chính của đất nước.
Phó Chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga - ông Ksenia Yudaeva cho biết, sự sụt giảm của đồng rúp là do những thay đổi trong cán cân thương mại. Cán cân thương mại là sự khác biệt giữa giá trị tiền tệ của hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu của một quốc gia.
Đồng rúp trượt khỏi mốc 90 so với đồng đô la Mỹ (USD) trong phiên giao dịch hồi đầu tuần. Mức 90 là mức được nhìn thấy lần gần đây nhất là vào tháng 3 năm 2022.
Đồng tiền Nga được giao dịch ở mức 90,04 đổi một đô la (USD) vào lúc 14:33 giờ Moscow trước khi tăng nhẹ, theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Moscow. Đồng euro giao dịch ở mức hơn 98 rúp, cũng là mức yếu nhất kể từ tháng 3 năm 2022.
Ông Yudaeva lưu ý rằng cơ quan quản lý không thấy có lý do gì để áp dụng lại việc bắt buộc bán một phần thu nhập ngoại hối của các nhà xuất khẩu, một biện pháp tạm thời được đưa ra vào năm ngoái để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Aleksey Zabotkin cho biết tuần trước rằng đồng rúp đã bị ảnh hưởng bởi giá hàng xuất khẩu của Nga giảm.
Đồng tiền này đã mất giá mạnh kể từ cuộc nổi loạn ngắn ngủi của công ty quân sự tư nhân Wagner. Nhóm Wagner do ông Evgeny Prigozhin là thủ lĩnh đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại giới lãnh đạo quân sự của Nga vào ngày 23-24/6. Các đơn vị vũ trang đã chiếm giữ một trụ sở quân sự ở Rostov-on-Don, và một số lực lượng đã hành quân đến thủ đô Moscow. Tuy nhiên, lực lượng này đã hủy bỏ kế hoạch tiến về thủ đô sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền Nga dưới sự làm trung gian hòa giải của Tổng thống Belarus.
Đồng rúp cũng chịu áp lực trong những tuần gần đây do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây hạn chế đầu tư nước ngoài và hạn chế nguồn cung ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu.