- Đồng đô la (USD) đã là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ Thế chiến thứ hai, nhưng sự kết hợp giữa các lý do chính trị và kinh tế đang dần làm giảm uy thế của nó.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 60% dự trữ quốc tế được giữ bằng đồng USD. Đồng đô la Mỹ cũng là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất cho thương mại.
Giờ đây, các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đang khiến các quốc gia khác phải cảnh giác về những hậu quả tiềm ẩn nếu đối đầu với Washington.
Một số quốc gia chẳng hạn như Brazil, Argentina, Bangladesh và Ấn Độ đang lần lượt chuyển dần sang các loại tiền tệ thay thế và tài sản dự phòng — chẳng hạn như bằng đồng nhân dân tệ và bitcoin của Trung Quốc — để giao dịch và thanh toán.
Trong khi môi trường địa chính trị vĩ mô đang thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm các loại tiền tệ thay thế, thì từ lâu đã có những lo ngại về sự thống trị quá lớn của đồng đô la trong thương mại và tài chính toàn cầu.
Chủ đề phi đô la hóa thỉnh thoảng đã được nhắc đến ít nhất là từ những năm 1970 và gần đây tiến trình này đang được nói đến nhiều hơn.
Dưới đây là ba lý do khác khiến các quốc gia trên thế giới đang cố gắng sắp xếp các kế hoạch để có thể thoát khỏi một thế giới do đồng đô la thống trị.
1. Chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng quá nhiều đến phần còn lại của thế giới
Mỹ là nhà phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng tiền này cũng là đồng tiền thống trị trong các hệ thống thương mại và thanh toán quốc tế.
Do đó, đồng bạc xanh đang nắm giữ ảnh hưởng quá lớn đối với nền kinh tế thế giới và thường được định giá quá cao, tổ chức tư vấn Trung tâm Wilson đã đưa ra nhận định như vậy trong một báo cáo hồi tháng Năm.
Vị thế này đã mang lại cho Mỹ cái mà ông Valéry Giscard d'Estaing - Tổng thống Pháp từ năm 1974 đến năm 1981, gọi là "đặc quyền cắt cổ". Một khía cạnh của đặc quyền này là Mỹ có thể không rơi vào khủng hoảng nếu không thể trả nợ khi giá trị của đồng đô la giảm mạnh bởi vì Washington đơn giản là có thể phát hành thêm tiền.
Điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia trên thế giới phải theo sát các chính sách kinh tế và tiền tệ của Mỹ để tránh tác động lan tỏa đến nền kinh tế của họ.
Một số quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, đã nói rằng họ phát ốm và mệt mỏi với các chính sách tiền tệ của Mỹ - những chính sách đang bắt họ làm con tin. Thậm chí, các nước này còn nói rằng Mỹ là một nhà phát hành vô trách nhiệm đối với các loại tiền tệ dự trữ của thế giới.
Một nhóm làm việc tại Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hiện đang thúc đẩy việc sử dụng đồng rupee Ấn Độ để giao dịch - một lập trường phù hợp với tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về tiền tệ.
2. Đồng USD mạnh đang trở nên quá đắt đối với các quốc gia mới nổi
Đồng bạc xanh mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ trên thế giới đang khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều đối với các quốc gia mới nổi.
Ở Argentina, áp lực chính trị và sự sụt giảm trong xuất khẩu đã góp phần làm giảm dự trữ đô la Mỹ và gây áp lực lên đồng peso của Argentina, từ đó thúc đẩy lạm phát.
Điều này đã thúc đẩy Argentina bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Argentina mới đây cho biết.
Các nhà kinh tế tại Allianz, một công ty dịch vụ tài chính quốc tế, đã viết trong một báo cáo ngày 29/6 rằng: “USD mạnh lên sẽ làm suy yếu vai trò là đồng tiền dự trữ của nó. "Nếu việc tiếp cận với USD trở nên đắt đỏ hơn, người đi vay sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế."
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thiết lập các loại tiền tệ thanh toán thương mại thay thế, thậm chí còn khuyến khích Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tránh xa đồng đô la Mỹ.
3. Thương mại toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ đang đa dạng hóa - khiến đồng đô la dầu mỏ gặp rủi ro
Một lý do chính khiến đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới là các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông đã sử dụng đồng bạc xanh để giao dịch dầu mỏ - bởi vì nó đã là một loại tiền tệ thương mại được sử dụng rộng rãi vào thời điểm họ giao dịch dầu mỏ.
Thỏa thuận này được chính thức hóa vào năm 1945 khi quốc gia dầu mỏ khổng lồ Ả-rập Xê-út và Mỹ đạt được thỏa thuận lịch sử, trong đó Ả-rập Xê-út sẽ bán dầu của mình cho Mỹ chỉ bằng đồng bạc xanh. Đổi lại, Ả-rập Xê-út sẽ tái đầu tư dự trữ đô la dư thừa vào các kho bạc và công ty của Mỹ.
Nhưng sau đó, Mỹ trở nên độc lập về năng lượng và là nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ với sự phát triển của ngành dầu đá phiến.
Các nhà kinh tế của Allianz nhận định: "Rất nghịch lý là, sự thay đổi cấu trúc trong thị trường dầu mỏ do cuộc cách mạng dầu đá phiến mang lại có thể làm tổn hại vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu vì các nhà xuất khẩu dầu, vốn đóng vai trò quan trọng đối với vị thế của USD, sẽ cần phải định hướng lại sang các nước khác cũng như đồng tiền của họ".
Vấn đề không chỉ nằm ở dầu mỏ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út - vốn được mô tả là tương tự như "bằng mặt nhưng không bằng lòng" - cũng đã trở nên căng thẳng về một số vấn đề trong những năm gần đây, chẳng hạn như dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông này từng phàn nàn rằng Ả-rập Xê-út không trả cho Mỹ một mức giá hợp lý để bảo vệ nước này, và khi Tổng thống Joe Biden hắt hủi Thái tử Mohammed bin Salman về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post.
Những căng thẳng như vậy, trong bối cảnh cuộc cách mạng năng lượng đá phiến, làm tăng khả năng một ngày nào đó Ả-rập Xê-út có thể từ bỏ việc định giá dầu bằng đồng đô la Mỹ, Sarah Miller, một biên tập viên của Energy Intelligence, một công ty thông tin năng lượng, từng đưa ra nhận định như vậy.