- Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CGTN mới đây rằng Nga không bao giờ có ý định từ bỏ đồng đô la Mỹ (USD) trong thương mại. Thay vào đó, Moscow buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây nguy hiểm cho việc sử dụng đồng tiền này trong ngoại thương của Nga.
“Chúng tôi không thách thức đồng đô la (USD) mà đồng đô la đã thách thức Nga, vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm các cơ chế thanh toán thay thế giữa các nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu của chúng tôi sao cho thuận tiện, đáng tin cậy và có lợi trong thương mại,” Bộ trưởng Siluanov nói.
Vị quan chức tài chính cấp cao của Nga cũng thảo luận về các kế hoạch của Moscow đối với Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (NDB). Ngân hàng có trụ sở tại Thượng Hải được thành lập vào năm 2014 bởi các quốc gia thành viên của khối - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - với mục đích tạo điều kiện thanh toán giữa các thành viên trong nhóm và với các đối tác thương mại của họ, cũng như mở rộng liên kết và cơ sở hạ tầng các dự án trong khối.
Bộ trưởng Siluanov lưu ý rằng Nga đã đưa ra một số đề xuất với các đối tác thương mại của mình liên quan đến các lựa chọn thay thế đồng đô la và sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong tương lai gần. Ông không nói chi tiết về những lựa chọn thay thế đó có thể là gì. Tuy nhiên, trong năm qua, Nga đã dần dần chuyển đổi từ đồng đô la Mỹ sang các loại tiền tệ khác trong thương mại, đặc biệt là đồng rúp, nhân dân tệ và đồng rupee.
Ông Siluanov nói rằng Nga là một thành viên hợp pháp của nền kinh tế thế giới và có kế hoạch duy trì vị trí của mình trên thị trường toàn cầu, không có ý định “tự cô lập mình”.
“Không thể làm gì với các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực, hoạt động thương mại và đầu tư chung với các đối tác khác của chúng tôi”, Bộ trưởng Tài chính Nga nhấn mạnh.
Theo ông Siluanov, Mỹ đã đánh mất niềm tin mà họ từng có với tư cách là nhà phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu bằng cách vi phạm các quy tắc quốc tế và từ bỏ trách nhiệm tài chính trong nước. Nói rộng ra, Mỹ đã làm xói mòn niềm tin vào đồng đô la, Bộ trưởng Siluanov cho hay. Ông này nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ làm nổi bật cách “các quốc gia chủ chốt từng tạo ra tiếng vang trong nền tài chính toàn cầu” giờ đây chỉ gây ra các vấn đề, chẳng hạn như lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng cao.