- Một thông báo bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) về kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1,15 triệu/ngày đã đẩy giá dầu thô tăng tới 6% vào đầu phiên giao dịch ngày hôm qua (3/4).
Các nước xuất khẩu dầu mỏ đang kiểm soát khoảng 50% nguồn cung dầu trên toàn cầu và họ vừa đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng thêm nữa, bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023. Đây là động thái được đưa ra nhằm ổn định thị trường, một loạt thông báo được đưa ra hồi cuối tuần vừa rồi đã cho biết như vậy.
Ả-rập Xê-út cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, trong khi Baghdad tuyên bố cắt giảm 211.000 thùng/ngày. Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất sẽ giảm sản lượng 144.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày, Kazakhstan 78.000 thùng/ngày, Algeria 48.000 thùng/ngày và Oman 40.000 thùng/ngày.
Giá dầu thô tăng vọt sau tin tức nói trên, với dầu Brent chuẩn quốc tế tăng hơn 5,5% lên 84,30 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn của Mỹ tăng 5,6% lên 79,90 USD/thùng vào lúc 9:00 sáng ngày hôm qua theo giờ quốc tế (tức 4h chiều qua theo giờ Hà Nội).
Nga đã tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng 3 để trả đũa việc phương Tây đưa ra mức trần giá đối với dầu của họ - một động thái mà Moscow tin rằng cuối cùng sẽ dẫn đến nguồn cung khan hiếm và gây ra sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, vào cuối tuần vừa rồi, Moscow tuyên bố sẽ đồng bộ hóa với OPEC trong việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm nay.
Moscow tin rằng động thái trên sẽ góp phần ổn định giá dầu thô vốn đã giảm mạnh do lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng phương Tây có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Bộ Năng lượng Ả-rập Xê-út miêu tả động thái của các nước thành viên OPEC + là “biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.” Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã cảnh báo các quốc gia phương Tây không được áp đặt giới hạn giá dầu thô do Vương quốc này cung cấp, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt mức giá trần đều sẽ dẫn đến việc ngừng bán và cắt giảm sản lượng.
Động thái này khiến Washington thất vọng, vì nó được đưa ra bất chấp áp lực của Mỹ đối với các nhà sản xuất dầu mỏ nhằm tăng sản lượng và hạ giá. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã tới thủ đô Riyadh vào tháng 7 năm ngoái để trực tiếp kiến nghị với Thái tử Mohammed bin Salman nhưng không có kết quả.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi đã nói với hãng tin Reuters rằng: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm sản lượng là điều nên làm vào thời điểm này do thị trường đang không chắc chắn – và chúng tôi đã nói rõ điều đó”.
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak hôm qua (3/4) đã lên tiếng cảnh báo rằng, nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ có thể cắt giảm sản lượng dầu thô của họ.
Phát biểu trên của ông Novak được đưa ra sau quyết định vào Chủ nhật (2/4) của một số thành viên trong nhóm OPEC+ về việc tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng của họ bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023, nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
“Cho đến nay, chín quốc gia… đã nói rằng họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu của họ, và như bạn đã biết, có 23 thành viên trong OPEC+, đã có những cuộc thảo luận rằng các quốc gia khác cũng có thể tham gia và thông báo một số cắt giảm bổ sung của riêng họ, nếu họ cảm thấy điều đó là cần thiết để ổn định thị trường,” Phó Thủ tướng Novak cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 24.
Mức giảm mới nhất nằm ngoài mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được đưa ra vào năm ngoái, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Vào ngày 2/4, Nga cũng đã thông báo rằng họ sẽ gia hạn mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày của riêng mình đến cuối năm nay.