- Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn đề nghị giữ quỹ bình ổn xăng dầu trong dự thảo Luật Giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị tiếp tục giữ Quỹ này để giảm sốc cho thị trường.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Giá sáng ngày 15/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, bởi nhiều nguyên nhân.
Nêu lý do giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước; việc quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ quỹ là chưa phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường, thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn xăng dầu đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng lại nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ.
Mặt khác, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất.
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, chỉ trong những trường hợp cần thiết, nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, thực tế thời gian qua, hoạt động của Quỹ chưa bảo đảm yêu cầu, mục đích bình ổn giá xăng dầu.
“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, tháng 6/2022, khi giá xăng dầu đạt đỉnh điểm, Qũy bình ổn giá xăng dầu lại không có tác động gì để kéo giá xăng dầu xuống”, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ và cho rằng cần khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua.
Quang cảnh phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng ngày 15/3 |
Cho ý kiến về Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần giữ các quy định đang sẵn có tại luật hiện hành. Cụ thể, Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm sốc cho thị trường vì cho rằng, đây là công cụ quản lý thị trường xăng dầu của cơ quan nhà nước.
“Nếu bỏ Quỹ, cơ quan nhà nước sẽ có ít công cụ để tác động vào giá xăng dầu, ảnh hưởng đến người dân”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm và “hứa” sẽ quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với Quỹ này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cơ bản tán thành với Báo cáo của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đồng thời bày tỏ đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng về thẩm quyền quyết định danh mục hành hoá thuộc diện bình ổn giá. Tức là giữ theo quy định hiện hành vì đang thực hiện ổn định.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân trách phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội vào một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài xin ý kiến toàn diện về dự thảo luật cần nêu rõ các nội dung lớn, nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này. Đồng thời, phải báo cáo rõ việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn khi đặt ra việc sửa đổi luật...
Đối với hai nội dung còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá kỹ có cần thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, bình ổn giá so với luật hiện hành hay không? Về quỹ bình ổn giá, có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là một giải pháp để bình ổn giá...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền quyết định giá, danh mục các trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, cơ sở căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của Nhà nước, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá, công bố giá, tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai giá, niêm yết giá.... để đảm bảo tính khả thi, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá.