- Trung Quốc và Nga đã dẫn đầu thế giới về thặng dư thương mại vào năm ngoái, theo tính toán của RIA Novosti dựa trên dữ liệu từ các dịch vụ thống kê quốc gia của cả hai nước. Thặng dư thương mại là một chỉ số về cán cân thương mại tích cực, trong đó xuất khẩu của một quốc gia vượt quá nhập khẩu. Theo truyền thống, bằng cách chỉ ra rằng dòng tiền và tài nguyên đi vào một nước vượt quá dòng chảy ra, thặng dư đóng vai trò là một chỉ số thể hiện một nền kinh tế lành mạnh.
Cả hai nước Nga và Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục của chính họ vào năm 2022, với thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 30% lên mức cao nhất mọi thời đại là 877,6 tỷ USD. Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 3,59 nghìn tỷ USD, đạt mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu khoảng 7% so với năm trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng 1,1%, lên khoảng 2,72 nghìn tỷ USD.
Nga đã tăng thặng dư thượng mại 1,7 lần trong năm 2022, lên mức kỷ lục 333,4 tỷ USD, chiếm vị trí thứ hai trong số các nền kinh tế lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 591,4 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2021. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng doanh số bán năng lượng, vốn chiếm phần lớn trong xuất khẩu nước ngoài của Nga và đạt 383,73 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm 11,7% so với năm trước xuống còn 259,1 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng nhập khẩu giảm là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, kết hợp với những nỗ lực của Moscow hướng tới các biện pháp tự cung tự cấp và thay thế nhập khẩu.
Ả Rập Saudi, quốc gia có thặng dư thương mại cao nhất kể từ năm 2012 ở mức 221,3 tỷ USD, đứng thứ ba, tiếp theo là Na Uy, Australia và Qatar.
Đức chứng kiến con số của mình giảm 2,4 lần, xuống còn 85,34 tỷ USD, trượt xuống vị trí thứ bảy từ vị trí thứ hai một năm trước đó.
Trong khi đó, Canada trở thành nước dẫn đầu tuyệt đối về tốc độ tăng trưởng, với con số tăng gấp 4,8 lần trong năm, lên 17,45 tỷ USD. Theo các dữ liệu, quốc gia duy nhất có thể chuyển từ thâm hụt sang thặng dư thương mại vào cuối năm ngoái là Nigeria.
Nhìn chung, 26 nền kinh tế lớn ghi nhận thặng dư vào năm 2022, so với 32 nền kinh tế một năm trước đó. Nghiên cứu do RIA Novosti thực hiện trên cơ sở dữ liệu từ các dịch vụ thống kê quốc gia của 60 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.