Nga 'miễn nhiễm' với khủng hoảng ngân hàng Mỹ

0
0

 - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua (14/3) đã nói với các phóng viên rằng lĩnh vực tài chính của Nga thực tế miễn nhiễm với những tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ, phần lớn nhờ vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

 

Khi được hỏi về tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của các tổ chức cho vay Mỹ dẫn đến tình trạng chứng khoán toàn cầu sụt giảm, ông Peskov cho biết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng Mỹ không thể ảnh hưởng đến Nga theo bất kỳ cách nào.

“Tất nhiên, hệ thống ngân hàng của chúng tôi có một số mối liên hệ nhất định với một số phân khúc của hệ thống tài chính quốc tế, nhưng phần lớn hệ thống này đang phải chịu các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp”.

Ông Peskov nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt giống như là “trong cái rủi lại có cái may" bởi vì Nga "ở một mức độ nhất định nào đó đã miễn nhiễm với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra trên khắp đại dương".

Lĩnh vực tài chính của Nga trở thành đối tượng bị Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Năm ngoái, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các đồng minh tung ra nhằm vào Nga đã cắt đứt kết nối của 10 ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (hay SWIFT) có trụ sở tại Bỉ, hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng trên toàn cầu. SWIFT là một hệ thống trực thuộc Hiệp hội Toàn cầu và là động mạch tài chính khổng lồ kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và chính phủ trên toàn thế giới. SWIFT là phương thức đặt lệnh chuyển khoản an toàn chính mà các ngân hàng dùng để yêu cầu thanh toán từ các tổ chức khác nhau. SWIFT giúp thương mại quốc tế, thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền quốc tế trở nên dễ dàng hơn.

9 trong số những ngân hàng Nga bị trừng phạt nói trên còn phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt ngăn chặn, cấm các tổ chức tài chính quốc tế hợp tác với họ. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng Sberbank thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất của Nga, cấm ngân hàng này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.

Nga có hệ thống nhắn tin tài chính riêng - SPFS, có thể đóng vai trò thay thế cho SWIFT tại thị trường nội địa. Mặc dù mức độ bao phủ của nó vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với SWIFT – nơi có 11.000 tổ chức tài chính trên toàn cầu – nhưng mức độ lan rộng của SPFS đã tăng tốc trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đã bị rung chuyển bởi một loạt vụ sụp đổ bắt đầu vào tuần trước và tiếp tục làm náo loạn thị trường khu vực và toàn cầu.

Ngân hàng tiền ảo Silvergate có trụ sở tại California là ngân hàng đầu tiên thông báo phá sản vào thứ Tư tuần trước (8/3), sau đó là sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank vào thứ Sáu (10/3). Thất bại của SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngân hàng Signature Bank là ngân hàng mới nhất bị đóng cửa vào cuối tuần qua. Sự sụp đổ của các ngân hàng đã làm dấy lên mối lo ngại về “sức khỏe” của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, với nhiều ngân hàng cho vay khác chứng kiến ​​cổ phiếu của họ lao dốc.

Một số quỹ hưu trí ở Mỹ và ít nhất hai quỹ ở nước ngoài đã mất hàng triệu USD do đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng SVB, Newsweek hôm qua đưa tin. Sự sụp đổ của SVB đã khiến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc.

Các tổ chức như Quỹ hưu trí công chức California (CalPERS), Hệ thống hưu trí giáo viên bang California (Cal STRS), Dịch vụ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (NPS) và quỹ hưu trí Alecta của Thụy Điển đã đầu tư vào ngân hàng SVB – một ngân hàng tập trung vào công nghệ và khởi nghiệp.

CalPERS - công ty quản lý quỹ hưu trí công cộng lớn nhất ở Mỹ với hơn 1,5 triệu thành viên, đã đầu tư khoảng 67 triệu USD vào ngân hàng SVB và khoảng 11 triệu USD vào ngân hàng Signature Bank – một ngân hàng cũng đã ngừng hoạt động vào cuối tuần qua.

Alecta - quỹ hưu trí lớn nhất của Thụy Điển, giám sát khoảng 104 tỷ USD tài sản, đã đầu tư khoảng 848,7 triệu USD vào SVB và khoảng 282,9 triệu USD vào Signature Bank tại thời điểm hai ngân hàng này phá sản.

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.