- Các nhà sản xuất dầu toàn cầu có thể phải xem xét lại chính sách sản lượng của họ nếu nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi, hãng tin Reuters dẫn lời Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Cảnh báo trên được đưa ra khi liên minh OPEC+ gồm các quốc gia sản xuất dầu lớn, dẫn đầu là Nga và Ả Rập Saudi, đã quyết định duy trì sản lượng ở mức hiện tại vào tuần trước.
Giám đốc điều hành của IEA – ông Fatih Birol đã nói với các phương tiện truyền thông bên lề hội nghị Tuần lễ Năng lượng Ấn Độ rằng: “Chúng tôi dự đoán khoảng một nửa mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc”. Ông Birol cũng nói thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay của Trung Quốc đang bùng nổ, gia tăng áp lực lên nhu cầu dầu.
“Nếu nhu cầu tăng rất mạnh, nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, thì theo quan điểm của tôi, các nước OPEC+ sẽ cần phải xem xét các chính sách sản lượng của họ,” ông Birol nhấn mạnh.
Vào tháng 10, các quốc gia thành viên OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11 đến năm 2023 – mức giảm sản lượng lớn nhất kể từ năm 2020. Quyết định này đã được các nước thành viên OPEC + thống nhất ủng hộ thông qua bất chấp áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Liên minh năng lượng đã chọn không cắt giảm thêm sản lượng trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Nga, với lý do lo ngại rằng Moscow có thể cắt giảm sản lượng dầu để đáp trả lệnh cấm vận và áp đặt giá trần đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Các chuyên gia cho rằng sự không chắc chắn về nhu cầu của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến quyết định của OPEC khi nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là người mua LNG số hai thế giới vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của đại dịch Covid-19.