- Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết trong một cuộc họp chính phủ ngày hôm qua (16/1) rằng xuất khẩu năng lượng của họ trong năm ngoái (năm 2021) đã tăng trưởng tốt bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều này đã giúp đem lại hàng tỷ đô la (USD) doanh thu cho ngân sách của Nga.
Theo Phó Thủ tướng Novak, xuất khẩu dầu của Nga năm 2023 tăng 7%, trong khi doanh thu có được từ hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 8%. Sản lượng dầu tăng 2% so với sản lượng năm 2021, đạt tổng cộng 535 triệu tấn.
“Đối với ngành dầu mỏ, chúng tôi đã có một kết quả tích cực trong năm ngoái, bất chấp hành động của các quốc gia ‘không thân thiện’ và các biện pháp trừng phạt”, ông Novak nhấn mạnh.
Nhìn chung, doanh thu của Nga từ hoạt động xuất khẩu năng lượng vào năm 2022 đã tăng khoảng 28%, tương đương 2,5 nghìn tỷ rúp (36,6 tỷ USD), so với năm 2021.
“Bất chấp mọi khó khăn, ngành nhiên liệu và năng lượng đã hoạt động ổn định vào năm ngoái, chống lại các thách thức từ bên ngoài đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước chúng tôi và hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu, bao gồm cả việc đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách nhà nước của Nga,” Phó Thủ tướng Novak tuyên bố.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt qua hệ thống đường ống đã giảm gần 1/3 vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào tháng 9. Hệ thống này đã không thể hoạt động sau vụ nổ.
Bộ Tài chính Nga gần đây cho biết họ dự kiến doanh thu từ dầu khí của nước này sẽ giảm hơn 54 tỷ rúp (790 triệu USD) trong tháng 1 do lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga và việc liên minh này cùng G7 áp mức giá trần đối với dầu của Nga – một quyết định có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái.
Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Helsinki, việc áp mức giá trần đối với dầu của Nga đã khiến Nga mất khoảng 172 triệu đô la (USD) mỗi ngày. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đã cấm vận chuyển xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ đến cho những nước áp dụng mức giá trần trong hợp đồng của họ.
Moscow nhiều lần cho biết họ sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu cần, nhưng sẽ không hợp tác với các quốc gia tham gia liên minh áp đặt giá trần đối với dầu của Nga.
Liên quan đến vấn đề giá trần dầu mỏ, giá trung bình cho dầu Urals của Nga từ hôm 15/12 đến ngày 14/1 là 46,82 USD/thùng, tương đương 341,8 USD/tấn, nhật báo kinh doanh RBK hôm qua (16/1) dẫn lời Bộ Tài chính Nga cho biết.
Mức giá nói trên thấp hơn mức giá trần 60 USD/1 thùng mà nhóm G7 cùng EU áp đặt đối với dầu xuất khẩu của Nga. Mức giá đó cũng bằng gần một nửa giá của dầu thô Brent chuẩn quốc tế, được giao dịch ở mức trên 85 USD/1 thùng vào hôm qua.
Vào tháng 12, giá dầu của Nga được cho là đã giảm 1/4 so với tháng trước sau khi Liên minh Châu Âu, các quốc gia G7 và Australia đưa ra mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5/12. Biện pháp này được đưa ra cùng với lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và các cam kết tương tự từ Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh.
Theo dữ liệu của RBK, vào tháng 12, giá trung bình của dầu Urals là 50,47 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với một năm trước đó, khi Urals có giá 72,71 USD/thùng. Vào tháng 11 năm 2022, giá trung bình hàng tháng của một thùng dầu Ural là 66,47 USD.
Các chuyên gia lưu ý rằng mức giá trần của phương Tây, vốn là một phần của gói trừng phạt chống Nga mới nhất, sẽ có ít tác động ngay lập tức đến doanh thu dầu mỏ của Moscow. Theo Bộ Tài chính, xuất khẩu dầu khí được dự báo chiếm 42% doanh thu của Nga trong năm nay với 11,7 nghìn tỷ rúp (172 tỷ USD), tăng từ mức 36% hay 9,1 nghìn tỷ rúp (133 tỷ USD) vào năm 2021.