- Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cùng nhóm nước G7 chính thức áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga với mục đích thắt chặt nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Moscow, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều lên tiếng thể hiện thái độ phản đối. Ấn Độ chỉ trích EU đồng thời tuyên bố tiếp tục mua dầu mỏ từ Nga. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tiếp tục mua dầu mỏ của Nga dựa trên sự tôn trọng chung lẫn nhau và cùng có lợi.
Ấn Độ chỉ trích EU, tuyên bố tiếp tục mua dầu từ Nga
Một trong những quan chức hàng đầu của Ấn Độ hôm qua (5/12) đã lên tiếng khẳng định rằng nước này sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga vì họ đặt ưu tiên cho nhu cầu năng lượng của mình, hãng tin AP đưa tin.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra bình luận trên trong phát biểu phản ứng lại mức giá trần 60 USD/thùng đối với xăng dầu của Nga do Liên minh Châu Âu đưa ra. Mặc dù mức giá trần được ban hành nhằm gây áp lực hơn nữa đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, Ngoại trưởng Jaishankar cho rằng EU đã sai lầm khi yêu cầu Ấn Độ tuân theo các nguyên tắc này.
"Châu Âu sẽ theo những lựa chọn mà họ đưa ra. Đó là quyền của họ", ông Jaishankar đã nói như vậy trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
Mặc dù Ngoại trưởng Jaishankar không trực tiếp đề cập đến mức giá trần nhưng các quan chức Ấn Độ đã bảo vệ việc mua dầu từ Nga, nói rằng họ được hưởng lợi trực tiếp từ mức giá thấp hơn, hãng tin AP đưa tin.
Tuy nhiên, ông Jaishankar đã lên án EU vì thúc ép các nước khác tuân theo mức giá trần của họ trong khi họ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn dầu từ Nga.
Ngoại trưởng Jaishankar cho hay: “theo như Ấn Độ biết, lượng dầu nhập khẩu của EU gấp khoảng 6 lần so với Ấn Độ”.
"Có một lượng hữu hạn các nguồn năng lượng có sẵn trên thế giới. Tôi hiểu rằng có một cuộc xung đột đang diễn ra. Tôi cũng hiểu rằng châu Âu có quan điểm riêng", ông nói thêm. "Nhưng trong khi Châu Âu có lập trường ưu tiên nhu cầu năng lượng của họ lại mong muốn Ấn Độ làm điều gì đó khác... hãy để tôi nhắc các bạn rằng hiện tại, châu Âu đang mua nhiều hơn nữa."
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Puri cho rằng ông dự đoán tác động ngay lập tức gây ra từ mức giá trần là con số "không".
Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Nga dựa trên sự tôn trọng và có lợi chung
Trong phản ứng sớm nhất về giá trần dầu mỏ được EU và G7 đưa ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố họ sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng với Moscow trên “cơ sở tôn trọng và cùng có lợi”, một cơ quan thông tấn nhà nước của Nga cho biết.
Có thể thấy, khi mức giá trần được chính thức áp đặt đối với dầu mỏ của Nga, hai quốc gia nổi lên trong năm nay với tư cách là những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga - Trung Quốc và Ấn Độ - đều cho thấy, họ sẽ không đi theo phương Tây để làm ảnh hưởng đến lợi ích của hai nước.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cho thấy lập trường tiếp tục mua dầu từ Nga để đảm bảo an ninh năng lượng cho nước họ một cách hiệu quả nhất với mức giá được Moscow ưu đãi.
Cả hai nước trên đều thẳng thừng tuyên bố không thực hiện theo mức giá trần mà G7 và EU tung ra. Theo quy định mới, G7 và EU cấm bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ hàng hải nào của họ phục vụ các tàu vận chuyển dầu có mức giá trên 60 USD/thùng trở lên.