- Hai chuyên gia kinh tế hàng đầu hôm qua (6/10) đã vẽ những bức tranh rất khác nhau về triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Một bức tranh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám hơn những dự báo trước đó.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF |
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF, trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown ngày hôm qua (6/10), đã nói rằng IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, dự báo sản lượng kinh tế thế giới sẽ mất đi hơn 4 nghìn tỷ USD tính đến năm 2026.
"Mọi thứ nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi nó tốt lên", bà Georgieva cho biết đồng thời nói thêm rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine từ hồi tháng Hai đầu năm nay đã thay đổi đáng kể dự báo của IMF về nền kinh tế thế giới. Theo Giám đốc điều hành IMF, “nguy cơ suy thoái đang gia tăng”. Bà Georgieva miêu tả môi trường kinh tế hiện tại là một“ giai đoạn mong manh có tính lịch sử”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tập trung nói đến cách Mỹ và các đồng minh của Mỹ có thể đóng góp như thế nào vào việc đầu tư dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu.
Bà Yellen kêu gọi các giải pháp chính sách đầy tham vọng và không sử dụng từ “suy thoái” một lần nào. Mặc dù đang giữ một lập trường thận trọng hơn trong các đánh giá về kinh tế thế giới, Bộ trưởng Yellen vẫn nói rằng "nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với sự bất ổn lớn."
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng giá lương thực và năng lượng trên khắp toàn cầu - ở một số nơi tăng theo cấp số nhân. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đang diễn ra, lạm phát gia tăng và điều kiện khí hậu ngày càng tồi tệ cũng đang tác động đến các nền kinh tế trên thế giới và làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng khác như mức nợ cao của các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Bà Georgieva cho biết IMF ước tính rằng các quốc gia chiếm 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý sụt giảm kinh tế liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau. Bà này cũng nói thêm rằng, IMF đã hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu của mình ba lần. Hiện IFM dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2% cho năm 2022 và bây giờ là 2,9% cho năm 2023.
Những dự báo ảm đạm của IMF được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát gia tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hành động quyết liệt nhất trong việc sử dụng tăng lãi suất như một công cụ hạ nhiệt lạm phát và các ngân hàng trung ương từ châu Á đến Anh cũng bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này.
Giám đốc điều hành IMF cho rằng “việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức và quá nhanh - và thực hiện một cách đồng loạt giữa các quốc gia - có thể đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng suy thoái kéo dài”. Ông Maurice obsfeld - một nhà kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, gần đây đã nhận định rằng việc Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể “đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng thu hẹp lại một cách khắc nghiệt không cần thiết”.
Bộ trưởng Yellen hôm qua cũng nhất trí cho rằng “thắt chặt kinh tế vĩ mô ở các nước phát triển có thể tạo ra tình trạng lây lan quốc tế”.
Những phát biểu của hai chuyên gia kinh tế học nói trên được đưa ra trước thềm các cuộc họp thường niên vào tuần tới của IMF gồm 190 quốc gia thành viên và Ngân hàng Thế giới. Các cuộc họp này đều hướng tới mục tiêu giải quyết vô số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Georgieva cho biết bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF sẽ được công bố vào tuần tới và IFM đã hạ thấp các số liệu tăng trưởng cho năm tới.
Nhiều quốc gia đã nhận thấy những tác động lớn của cuộc chiến ở Ukraine đối với nền kinh tế của họ và những dự báo u ám của IMF phù hợp với những dự báo khác về sự sụt giảm tăng trưởng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tuần trước cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 2,8 nghìn tỷ USD sản lượng vào năm 2023 vì chiến tranh.