Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dừng cấp giấy phép cho các công ty Mỹ để họ xuất khẩu công nghệ cho hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) Huawei của Trung Quốc. Động thái này báo hiệu Washington hướng đến lệnh cấm vận công nghệ hoàn toàn đối với Huawei.
Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét dừng cấp giấy phép đối với tất cả công ty Mỹ muốn xuất khẩu công nghệ cho Huawei. Ảnh: Bloomberg |
Financial Times hôm 31-1 dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo cho một số công ty rằng họ sẽ không còn được cấp giấy phép xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Đây là biện pháp mới nhất trong chiến dịch của Washington nhằm kiềm chế sức mạnh của Huawei, vốn bị các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cáo buộc đã giúp Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp.
Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hạn chế các công ty Mỹ cung cấp thiết bị và dịch vụ có tầm quan trọng chiến lược cho Huawei bằng cách đưa tập đoàn này vào một ‘danh sách đen’ của Bộ Thương mại Mỹ, nơi tập hợp các công ty nước ngoài bị xem là áp đặt mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Động thái này khiến Huawei bị cấm sử dụng hệ điều hành Android của Google cho các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) mới của hãng này. Huawei cũng không thể ra mắt các mẫu smartphone 5G do không tiếp cận được các sản phẩm chip cao cấp của Mỹ.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ Mỹ bao gồm các hãng chip như Intel và Qualcomm, AMD vẫn có thể xin giấy phép của Bộ Thương mại để bán cho Huawei các sản phẩm công nghệ cấp thấp, không gây rủi ro an ninh quốc gia. Chẳng hạn, Intel và AMD đang cung cấp cho Huawei bộ vi xử lý mà hãng này sử dụng trong dòng máy tính xách tay Mate, trong khi đó, Qualcomm bán bộ vi xử lý và modem cho Huawei để hãng sử dụng cho các dòng smartphone cấp thấp.
Giờ đây, Alan Estevez, Thứ trưởng phụ trách công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ, đang đánh giá lại chính sách liên quan đến Trung Quốc để hướng đến cấm vận công nghệ hoàn toàn đối với Huawei. Theo chính sách mới mà các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét, tất cả các yêu cầu cấp phép xuất khẩu cho Huawei sẽ bị từ chối.
Động thái này diễn ra khi Washington tăng cường nỗ lực hợp tác với các đồng minh nhằm cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ tiên tiến như chip cao cấp được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu thanh. Tuần trước, Mỹ đã đạt được thỏa thuận ba bên với Nhật Bản và Hà Lan về việc hạn chế các công ty của họ xuất khẩu các công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Washington cũng đã đơn phương kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc.
Việc bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ đã làm suy giảm doanh thu và lợi nhuận của Huawei. Huawei không nằm trong số 5 nhà cung cấp thiết bị cầm tay hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 2022, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC. Cuối năm ngoái, Huawei tuyên bố đã thoát khỏi “chế độ khủng hoảng”.
Tác động của một lệnh cấm xuất khẩu công nghệ hoàn toàn đối với Huawei có thể chỉ ở mức hạn chế do hiện nay Huawei đã giảm mạnh các giao dịch với các công ty Mỹ. Nhưng động thái như vậy báo hiệu mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên xấu hơn.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến việc Trung Quốc kiểm soát các phân khúc quan trọng của ngành viễn thông.
Để giải quyết mối lo đó, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm Thea Kendler, cựu luật sư trong vụ án hình sự chống lại Huawei và Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trước đây, vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách quản lý xuất khẩu.
Trao đổi với BBC, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói: “Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác kiểm soát xuất khẩu liên ngành tại Bộ Năng lượng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, chúng tôi liên tục đánh giá các chính sách và quy định của mình, liên lạc thường xuyên với các bên liên quan ở bên ngoài. Chúng tôi không bình luận về các thảo luận liên quan đến các công ty cụ thể”.
(theo Kinh tế Sài Gòn Online)