- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là đơn vị đầu tiên hoàn thiện việc kết nối với hệ thống của Napas và chính thức cung cấp tới người dùng tính năng liên thông giữa tài khoản Mobile Money của VNPT với tài khoản của các ngân hàng.
Là dịch vụ tài chính số “sinh sau đẻ muộn” so với các loại hình khác ở thị trường trong nước, Mobile Money sau gần một năm được cung cấp thí điểm tại Việt Nam đã cho thấy một số rào cản khiến dịch vụ trở nên khó tiếp cận tới đông đảo người dùng.
Một trong số các vấn đề được các nhà mạng nêu ra và thảo luận tại nhiều diễn đàn gần đây là cần sớm thực hiện biện pháp cho phép Mobile Money liên thông để chuyển - nhận tiền được với hệ thống các ngân hàng.
Tiên phong hoàn thiện liên thông tài khoản Mobile Money với tài khoản ngân hàng
Nhìn nhận đây là yếu tố quan trọng để thu hút người dùng và thúc đẩy Mobile Money, Tập đoàn VNPT đã tích cực đẩy nhanh công tác phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Theo đó, ngày 12/9 vừa qua, VNPT đã chính thức là nhà mạng đầu tiên hoàn thiện việc tích hợp kết nối, cho phép người dùng liên thông tài khoản Mobile Money với tài khoản các ngân hàng trong hệ thống Napas.
Trước đây, giao dịch chuyển tiền tới tài khoản Mobile Money chỉ có thể thực hiện được từ một tài khoản Mobile Money/ví điện tử của cùng nhà mạng, không thực hiện được từ tài khoản ngân hàng. Điều này tạo sự hạn chế rất lớn đối với người dùng, khi mà những đối tượng đã quen sử dụng ứng dụng ngân hàng để giao dịch không thể kết nối được với Mobile Money của người khác.
Việc cho phép liên thông và chuyển tiền từ ứng dụng ngân hàng vào tài khoản Mobile Money có thể coi là bước tiến lớn của VNPT trong việc mở rộng công năng dịch vụ, tạo điểm nhấn thu hút người dùng Mobile Money hơn hẳn so với trước đây. Với tính năng mới này, người dùng Mobile Money của VNPT cũng có thêm một phương thức nạp tiền mới từ chính ứng dụng ngân hàng mình đang sử dụng, thay vì chỉ có thể thực hiện trên ứng dụng VNPT Money hoặc ra điểm giao dịch như trước đây.
Là nhà mạng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm cung cấp Mobile Money tại Việt Nam, trong gần một năm qua, VNPT xác định lấy Mobile Money làm dịch vụ trọng tâm và đã thể hiện sự quyết tâm trong việc phổ cập loại hình dịch vụ có nhiều ưu điểm này tới người dùng.
VNPT đã có gần 1 triệu người dùng Mobile Money
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money lũy kế đến hết tháng 7/2022 đạt gần 2 triệu khách hàng, tăng 440% so với cuối năm 2021; trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 1,3 triệu khách hàng, chiếm 68% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần vào phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Góp phần vào kết quả chung đó, hiện giờ, VNPT có gần 1 triệu người dùng Mobile Money, trong đó 62% là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số điểm kinh doanh Mobile Money của VNPT hiện có khoảng hơn 2.800 điểm và hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money trên cả nước.
Tới hiện tại, VNPT Money của VNPT cũng là đơn vị duy nhất cung cấp kênh thanh toán qua Mobile Money trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân thanh toán cho hơn 5.000 dịch vụ công cấp độ 4.
Gần đây nhất, đây cũng là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất hỗ trợ Nộp lệ phí xét tuyển Đại học - Cao đẳng năm 2022 với đầy đủ các phương thức thanh toán gồm: Mobile Money, ví điện tử, QR Code và tài khoản ngân hàng, mang lại tiện ích thiết thực cho hàng triệu phụ huynh/sinh viên trong năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện thu lệ phí hoàn toàn trực tuyến.
VNPT cũng đang nhanh chóng triển khai các công tác cuối cùng để chuẩn bị cho việc cho phép các ứng dụng ngân hàng có thể quét được mã QR code của VNPT Money và ngược lại, qua đó mở rộng thêm phạm vi và đa dạng hóa hình thức sử dụng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
Phạm Lê