- Theo Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 6 tháng triển khai, thuê bao di động sử dụng dịch Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại tăng 4 lần so với tháng 1/2022 (thời điểm sau 01 tháng triển khai)…
Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%; trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng) đến cuối tháng 6/2022 là 1.720.827 tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Sau 6 tháng triển khai cung cấp thí điểm Mobile Money trên toàn quốc, VNPT đã có nửa triệu người dùng Mobile Money tính tới hiện tại, trong đó hơn 50% là người dân sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Là doanh nghiệp tiên phong cung cấp thử nghiệm dịch vụ, Lãnh đạo Tập đoàn VNPT khẳng định vai trò của Mobile Money là một “cánh tay nối dài của dịch vụ ngân hàng truyền thống”, giúp tiếp cận tốt và mang dịch vụ tài chính số tới gần hơn với người dân ở các vùng miền hẻo lánh.
Theo thống kê của VNPT, gần 90% các giao dịch thanh toán của khách hàng sử dụng Mobile Money tập trung vào các dịch vụ thiết yếu (điện, nước, viễn thông, tiêu dùng hàng ngày) và các dịch vụ hành chính công. Những con số này phản ánh tính thiết thực của dịch vụ cũng như cho thấy mức độ quan tâm của người dân với dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục phổ cập Mobile Money tới nhiều người dân hơn nữa bằng nhiều hình thức như: Mở rộng hạn mức giao dịch; Cho phép giao dịch liên thông giữa các nhà mạng và thanh toán chéo giữa các đơn vị trung gian thanh toán khác nhau.
Đây là những vấn đề mấu chốt để thu hút người dân tiếp nhận và sử dụng Mobile Money, bởi việc thay đổi thói quen thanh toán của người dân cần phải xuất phát từ việc cho họ thấy được lợi ích và tính tiện dụng của dịch vụ.
Phạm Lê