- Sáng 30/11, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT tổ chức phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thường trực; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng Ban; Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Phó Trưởng Ban; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, thành viên; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, thành viên; các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập…
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, việc xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 cần bảo đảm cả tiến độ và chất lượng.
Với tinh thần hết sức khẩn trương, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trình Bộ Chính trị, gồm: Dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị; dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị. Hiện dự thảo này đã được gửi xin ý kiến góp ý của Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong số nhiều hoạt động chuẩn bị tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Bộ trưởng nhắc đến hai cuộc làm việc quan trọng mới đây nhất, đó là: Cuộc làm việc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì ngày 28/11; và cuộc làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GDĐT ngày 29/11. Sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động cho đến khi hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trình Bộ Chính trị.
Báo cáo tóm tắt quá trình triển khai tổng kết 10 năm Nghị quyết 29, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT sớm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, thống nhất đề cương và gửi Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 cũng sớm được Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT ban hành; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, 5 tiểu ban tổng kết Nghị quyết do các Thứ trưởng Bộ GDĐT làm Trưởng Tiểu ban.
Để nắm bắt tình hình thực tiễn tại các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo và lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, Bộ GDĐT đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại 8 địa phương; 5 cơ sở giáo dục đại học; một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Bộ GDĐT đồng thời tổ chức các hội thảo chuyên đề về: giáo dục mầm non; giáo dục đại học; khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT giao 2 Đại học Quốc gia (ĐHQG) thực hiện 2 nghiên cứu chuyên đề và cả 2 đại học đã có báo cáo. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội nghiên cứu chuyên đề về đổi mới giáo dục phổ thông; ĐHQG TP.Hồ Chí Minh thực hiện chuyên đề về tự chủ đại học. Ngoài ra, có hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã có báo cáo tổng kết gửi Bộ.
Đến nay, 63 tỉnh ủy, thành ủy và 18 bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết 29 về Bộ GDĐT. Trên cơ sở báo cáo tổng kết của các địa phương, bộ, ban, ngành, cơ quan và thực tế triển khai trong cả nước, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Dự thảo cũng kế thừa các nghiên cứu về giáo dục và đào tạo đã có.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời tóm lại những ý kiến, vấn đề nổi bật nhất cần tiếp thu qua các cuộc làm việc; đặc biệt cuộc làm việc do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì và cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại phiên họp, các Thứ trưởng và thành viên Ban Chỉ đạo đã có ý kiến góp ý cụ thể, chi tiết đối với dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đến thời điểm này là nghiêm túc, bài bản; công việc tổng kết đã đi được một bước quan trọng. Bộ trưởng đồng thời đưa ra một số nội dung quan trọng cần làm nổi bật trong Báo cáo tổng kết.
Sau phiên họp, các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án; kịp thời trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ theo đúng thời gian quy định để tiếp tục hoàn thiện.