- Theo Bộ Y tế, tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp tại Việt Nam hiện nay là 14,9% dân số (chiếm gần 15 triệu người bị rối loạn tâm thần), trong khi nhân lực điều trị thiếu, không đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, hiện nay, mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Hàng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới. Trong các bệnh không lây nhiễm, vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Đối với Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương 15 triệu người, trong đó phần lớn là trầm cảm và lo âu, chiếm từ 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em có hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo |
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước".
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khoẻ chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa như nhi, sản-nhi, lão khoa không có khoa tâm thần, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước. Cả nước chỉ có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7 bác sĩ).
Đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian tới để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế cộng đồng, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn. Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp.