Bộ GTVT đang nghiên cứu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với cung ứng dịch vụ công của Cục Đăng kiểm, trong đó có việc sắp xếp lại các trạm kiểm định "quốc doanh".
Một trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm tại Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân). |
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Trong đó, việc sắp xếp lại các đơn vị của ngành đăng kiểm có nhiều thay đổi sau bê bối tham nhũng.
Cụ thể, Bộ GTVT đã chuyển giao 2/15 trung tâm đăng kiểm từ Cục Đăng kiểm cho doanh nghiệp quản lý. Hiện nay, vẫn còn 13 trung tâm đăng kiểm "quốc doanh" trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trên cơ sở kết quả rà soát của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT có văn bản báo cáo Thủ tướng tiếp tục duy trì 13 trung tâm này theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm được giao nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực để tách bạch chức năng quản lý nhà nước (do các phòng tham mưu thực hiện) với việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm (do các trung tâm đăng kiểm thực hiện).
Bộ GTVT cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu sắp xếp lại các trung tâm đăng kiểm cho phù hợp.
Trước đó, ngày 25/11/2015, Bộ GTVT từng ban hành đề án "Tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm".
Đề án này đặt ra lộ trình chuyển các trung tâm đăng kiểm thuộc quản lý Nhà nước sang khối tư nhân thông qua hình thức cổ phần hóa; Hướng tới việc Cục Đăng kiểm không tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe, chỉ còn giữ vai trò quản lý Nhà nước.
Gần 10 năm qua, 2 đời lãnh đạo của Cục Đăng kiểm là ông Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà không triển khai hiệu quả đề án này. Số lượng trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm tăng thêm từ 4 trung tâm lên 20 trung tâm vào năm 2020.
(Dantri)
https://dantri.com.vn/xa-hoi/xem-xet-tuong-lai-cua-13-trung-tam-dang-kiem-quoc-doanh-20230609200800649.htm