- Tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn những quan niệm sai lầm và chủ quan trong giai đoạn đầu phát triển bệnh khiến bệnh của trẻ trở nặng.
Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) căn bệnh này có thể diễn ra quanh năm, nhưng chúng ta không được lơ là, vì khi không chú ý chăm sóc từ khi bệnh khởi phát sẽ có những trường hợp chuyển biến nặng. Một số sai lầm điển hình của phụ huynh khi chăm sóc và phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng ở giai đoạn đầu như sau:
Vị trí nổi ban, nỏng nước ở chỗ kín đáo phụ huynh không để ý
Một số dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng: Trẻ bị sốt, trong miệng có nốt loét, nổi bỏng nước ở các vị trí như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
Tuy nhiên có những vị trí bóng nước nổi khá kín đáo mà phụ huynh cần có sự chú ý cẩn thận hơn như: các nốt hồng ban, bọng nước nổi ở rìa ngón chân, rìa ngón tay. Ở những vị trí này thường cha mẹ ít để ý, nhưng qua nghiên cứu của các chuyên gia, các điểm nổi bóng nước kín đáo và ít như vậy thường do Virus Enterovirus 71 gây ra, và đây là loại virus gây biến chứng nặng hơn.
Nhầm dấu hiệu tay chân miệng với dấu hiệu mọc răng ở trẻ
Một trường hợp khác các bậc phụ huynh thường bỏ qua dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là ở trẻ nhũ nhi bị sốt, chảy nước miếng. Thường các phụ huynh sẽ cho rằng dấu hiệu này là sốt mọc răng, và không để ý xem trong miệng con có nổi bóng nước hay không, do đó không cho trẻ đi khám kịp thời và bỏ qua thời điểm chữa bệnh tốt. Đến khi con sốt cao và giật mình liên tục mới đưa đến bệnh viện khám thì lúc này bệnh đã diễn biến nặng hơn.
Nhầm vết loét tay chân miệng với nốt nhiệt miệng
Thông thường, các bệnh phụ huynh sẽ khó có thể phân biệt nốt nhiệt miệng và nốt loét tay chân miệng. Trong trường hợp này phụ huynh cần theo dõi thêm các dấu hiệu khác như sốt, bỏng nước ở tay, chân,... và cho con đến cơ sở y tế để các bác sỹ kiểm tra.
Nhầm với vết hăm tã
Vết nổi ban vùng mông thường bị nhầm với vết hằm tã. Cách phân biệt là: Nốt hăm tã thường tái đi tái lại, có vết trầy xước khi bé bị ngứa gãi. Còn các viết nổi ban của bệnh tay chân miệng thường là vết hồng ban bóng nước và nổi tập trung ở 1 khu vực.
Tóm lại, để tránh các biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở con tốt nhất nên cho trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Nói về vấn đề phòng bệnh, bác sỹ Dư Tuấn Quy cho biết, quan trọng nhất là việc rửa tay hàng ngày của trẻ. Cần dạy trẻ thói quen rửa tay bất kỳ lúc nào tay bẩn: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi,...
Thêm vào đó, cần cách ly trẻ bị bệnh ngay sau khi phát hiện để tránh lây bệnh sang các trẻ khác.
PV