Một số tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã ghi nhận ca mắc bệnh tay chân miệng, ngành y tế địa phương các tỉnh này đã khẩn trương, chủ động phổ biến các biện pháp phòng bệnh.
Khi phát hiện ca bệnh tay chân miệng, ngành y tế địa phương các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã triển khai các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng điều trị.
Đặc biệt, cán bộ y tế đã phối hợp với các thôn/tổ dân phố hướng dẫn cách phòng bệnh tay chân miệng một cách hiệu quả.
Cùng với đó, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng ngay khi phát hiện. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, việc chủ động phòng bệnh luôn được y tế địa phương đặt lên hàng đầu.
Từ đầu năm đến nay ở Khánh Hòa cũng ghi nhận một số ca mắc tay chân miệng nhưng tất cả đều nhẹ, được điều trị tốt, kịp thời nên bệnh khỏi nhanh, sức khỏe ổn định. Người dân địa phương được khuyến cáo kỹ càng các biện pháp phòng bệnh.
Người dân và ngành y tế cần chủ động phòng bệnh tay chân miệng |
Tại Bình Định, theo Sở Y tế Bình Định, từ đầu năm đến ngày 6/6 đã ghi nhận 9 ca mắc bệnh tay chân miệng ở một số địa phương trong tỉnh này như Quy Nhơn; Tuy Phước; Phù Mỹ…
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Bình Định tăng cường các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch "ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch"; tổ chức phong trào rửa tay bằng xà phòng.
Nằm ở khu vực Tây Nguyên, sau khi ghi nhận 1 ca mắc bệnh tay chân miệng tử vong, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tại thị xã Buôn Hồ (nơi có ca bệnh tử vong).
Tính đến đầu tháng 6, toàn tỉnh này đã ghi nhận gần 80 ca mắc tay chân miệng, lực lượng nhân viên y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương trang bị kiến thức về cách chăm sóc, cách phòng dịch tay chân miệng đến tận các thôn, buôn.
Các phụ huynh cần chú ý phòng tay chân miệng cho con
Theo ngành y tế nhiều địa phương, bệnh tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè. Giai đoạn này thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Vậy nên các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì nếu để bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đang là thời điểm nghỉ hè, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con em mình thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ vệ sinh để phòng bệnh tay chân miệng |
Cùng với việc phối hợp chủ động phòng tay chân miệng, ngành y tế nhiều tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất các các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc tay chân miệng.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo, đang là thời điểm nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Sớm nhận ra các triệu chứng ban đầu của việc mắc tay chân miệng như: Sốt; mệt mỏi; đau họng; biếng ăn; tiêu chảy; đau rát ở miệng… Khi có các bất thường cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và tư vấn.
Theo Sức khỏe đời sống
https://suckhoedoisong.vn/ghi-nhan-ca-mac-tay-chan-mieng-o-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-khan-truong-cac-bien-phap-phong-benh-169230610082046195.htm